Kinh tế

Tỷ phú nuôi tôm

Ông Nguyễn Văn Hùng (ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) là tỷ phú nuôi tôm với hơn 4 hécta tôm thẻ chân trắng. Ông thu được lợi nhuận lớn từ ao tôm vì tiên phong trong việc thực hiện nuôi tôm theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

* Theo hướng công nghiệp

Kể về thời khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Là bộ đội xuất ngũ, gần 30 tuổi tôi mới về địa phương phụ gia đình nuôi tôm nước lợ. Thời đó đa số người dân chỉ nuôi tôm quảng canh, thả con giống để nó lớn trong môi trường ao đầm tự nhiên, thường cả năm mới thu hoạch với năng suất thấp. Tìm hiểu biết nuôi tôm thâm canh với nhiều vụ/năm cho lợi nhuận cao hơn hẳn nên tôi quyết định chuyển hướng đầu tư”. Khởi đầu, ông bỏ vốn làm 1 hécta ao nuôi tôm thâm canh. Từ ao tôm này, ông tích lũy dần nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi theo hướng công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hùng khoe ao tôm thẻ đạt trọng lượng tôm loại 1, chuyên cung cấp cho các hệ thống quán ăn, nhà hàng.  Ảnh: B.Nguyên
Ông Nguyễn Văn Hùng khoe ao tôm thẻ đạt trọng lượng tôm loại 1, chuyên cung cấp cho các hệ thống quán ăn, nhà hàng. Ảnh: B.Nguyên

Ông Hùng chia sẻ: “Nghề này cực lắm, người nuôi luôn phải theo sát từ khi thả con tôm cho đến tận ngày thu hoạch. Mỗi người có bí quyết riêng nhưng quan trọng nhất vẫn là ở khâu phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường nước”. Ông thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới nên luôn là người tiên phong tại địa phương trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Từ nhiều năm trước, ông đã cho lót bạt dưới đáy ao rồi ứng dụng thêm kỹ thuật phủ lưới lan trên mặt ao nuôi. “Tôi cho công nhân chà sạch mặt bạt mỗi ngày, tạo môi trường nước sạch để con tôm phát triển, giảm nguy cơ dịch bệnh. Phủ lưới lan giúp ổn định nhiệt độ của ao nên có thể thả tôm với mật độ dày hơn và con tôm cũng tăng trưởng nhanh hơn. Ứng dụng những kỹ thuật mới này, người nuôi vừa có thể tăng vụ nuôi/năm vừa nuôi với mật độ dày hơn, góp phần tăng sản lượng tôm thu hoạch trên cùng 1 diện tích” - ông Hùng nói. 

* Chủ động được thị trường

Để trở thành một nông dân lão luyện trong nghề, ông đã tích lũy từng chút kinh nghiệm trong 20 năm gắn bó với con tôm và không ít lần phải trả giá đắt. Theo ông Hùng, áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn; đầu tư nuôi trồng theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao là yếu tố sống còn trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Chuẩn hóa từ việc chọn con giống tốt, tính toán khẩu phần thức ăn phù hợp, nắm vững kỹ thuật nuôi trồng nên những ao tôm của ông luôn tăng trưởng tốt, con tôm đạt trọng lượng lớn ông mới thu hoạch. Ông Hùng so sánh: “Tôm có trọng lượng 30 con/kg bán giá cao hơn vài chục ngàn đồng/kg so với tôm trọng lượng 60-100 con/kg. Con tôm đạt trọng lượng lớn mới thu hoạch thì năng suất cũng cao hơn hẳn so với tôm nhỏ”. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng giữ được tôm trong ao đạt trọng lượng loại 1 vì thêm một ngày là thêm chi phí thức ăn, công chăm sóc và rủi ro tôm chết vì dịch bệnh rất lớn.

Nhờ lợi thế những vụ thu hoạch tôm đạt loại 1, ông liên kết được với những thương lái chuyên thu mua tôm cung cấp cho các hệ thống nhà hàng, quán ăn nên đầu ra ổn định với giá tốt hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Ông Hùng cho hay: “Nắm bắt được nhu cầu thị trường, tôi thường chủ động điều chỉnh mùa vụ để hạn chế bớt tình trạng đụng hàng, dội chợ. Các hệ thống nhà hàng, quán ăn, dịch vụ đặt tiệc thường đắt hàng nhất vào những tháng cuối năm và sau Tết Nguyên đán nên những vụ này tôi thường điều chỉnh tăng vụ, tăng sản lượng”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,995,402       757