Kinh tế

Trồng cây gia vị

Các loại cây gia vị, như: nghệ, sả… vẫn được trồng khá phổ biến tại các địa phương của Đồng Nai. Tuy nhiên, đây đều là những cây kinh tế phụ nên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chủ yếu nông dân vẫn trồng xen canh dù các loại cây trồng này cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần một số cây trồng chủ lực, như: lúa, bắp.

Các loại cây gia vị, như: nghệ, sả… vẫn được trồng khá phổ biến tại các địa phương của Đồng Nai. Tuy nhiên, đây đều là những cây kinh tế phụ nên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chủ yếu nông dân vẫn trồng xen canh dù các loại cây trồng này cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần một số cây trồng chủ lực, như: lúa, bắp.

Nhờ thu hoạch trái vụ, chỉ với vài ngàn mét vuông, vườn sả của ông Nguyễn Hoàng Long, xã Phú Hữu  (huyện Nhơn Trạch) cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Nhờ thu hoạch trái vụ, chỉ với vài ngàn mét vuông, vườn sả của ông Nguyễn Hoàng Long, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Cũng chính vì lý do trên nên trồng cây gia vị vẫn phát triển một cách tự phát, chạy theo phong trào. Đây là một rủi ro không nhỏ vì một số loại cây gia vị vẫn chưa có thị trường phổ biến. Theo đó, xây dựng vùng chuyên canh; thu hút doanh nghiệp về bao tiêu là định hướng cần thiết để khai thác được tiềm năng của cây gia vị.

* Cho lợi nhuận tốt

Thời điểm hiện nay, giá các loại gia vị, như: nghệ, sả… đang sốt giá vì đang là trái vụ, nhu cầu mua giống để xuống vụ mới của nông dân tăng cao. “Sốt” giá nhất là củ nghệ giống. Hiện giá giống nghệ đỏ thương lái thu mua trong dân đứng ở mức 18-20 ngàn đồng/kg, tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Giá sả cây cũng đứng ở mức 7-8 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3 ngàn đồng/kg so với thời điểm rộ mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Hoàng Long, ấp Cát Lái (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch), vui vẻ cho biết nhờ năm ngoái trồng trễ vụ nên hiện vườn sả của ông đang cho thu hoạch. Với mức giá cao như hiện nay, chỉ vài ngàn m2 trồng sả có thể cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Theo ông Long: “Đây là thời điểm nông dân trồng sả đang bắt đầu xuống giống vụ mới, người trồng ít chỉ vài ngàn m2, người trồng nhiều lên đến vài hécta. Chỉ tính mức giá bình quân thương lái thu mua khoảng 5 ngàn đồng/kg sả cây thì trồng sả vẫn cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và một số hoa màu khác”. Vài năm trở lại đây, cây sả là cây trồng chính được nông dân xã Phú Hữu tập trung phát triển mạnh. 

Cây nghệ cũng là một trong những cây gia vị được trồng phổ biến vì cho lợi nhuận tốt. Ông Phạm Thời, chủ cơ sở thu mua, chế biến nghệ Phạm Thời (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), cho biết gần 20 năm gắn bó với nghề trồng và chế biến nghệ, đây là cây trồng cho lợi nhuận kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng hàng năm khác. Tính trung bình năng suất nghệ đạt khoảng 20 tấn/hécta với giá bán ra khoảng 5 ngàn đồng/kg thì nông dân cầm chắc tiền lời 50-60 triệu đồng/hécta/vụ. “Củ nghệ chế biến được rất nhiều sản phẩm, từ gia vị dùng hàng ngày cho đến sản phẩm cao cấp là thực phẩm chức năng làm đẹp da, hỗ trợ chữa bệnh. Dòng sản phẩm này không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước. Nhu cầu thị trường về củ nghệ và các sản phẩm chế biến từ nghệ ngày càng lớn, hiện cung vẫn chưa đủ cầu” - ông Phạm Thời cho biết thêm.

Khác với cây sả chủ yếu trồng tập trung tại xã Phú Hữu; cây nghệ được trồng phổ biến ở nhiều địa phương, như: Long Khánh, Tân Phú, Long Thành, Cẩm Mỹ... với mỗi vụ có thể phát triển hàng trăm hécta. Tuy nhiên, các địa phương hầu như không có con số thống kê cụ thể vì đây là cây trồng phụ, đa số nông dân đều trồng xen canh với các cây trồng khác. Vì là cây kinh tế phụ nên nông dân vẫn phát triển diện tích theo phong trào nên không ít vụ đã xảy ra tình trạng rộ mùa, rớt giá, thậm chí thương lái không thu mua.

* Phát triển vùng chuyên canh

Nguyên nhân chính là do các loại cây gia vị không dễ bán đại trà như những loại nông sản khác. Việc trồng theo phong trào mà không nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ dễ gặp rủi ro về đầu ra. Cụ thể, mỗi loại nghệ đen, nghệ đỏ đều có rất nhiều giống khác nhau. Hiện nay, chỉ có giống nghệ đỏ (người dân địa phương vẫn quen gọi là giống nghệ đỏ xà cừ) mới được thị trường ưa chuộng vì là nguyên liệu chính dùng trong chế biến. Giống nghệ vàng có giai đoạn được nông dân trồng rất nhiều vì cho năng suất cao nhưng do không sử dụng được trong chế biến nên giá bán thường thấp hơn, thậm chí có những vụ nông dân trồng giống nghệ này không bán được hàng vì dội chợ.

Theo đó, phát triển cây gia vị theo hướng chuyên canh, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường hoặc liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho nông dân đang được các địa phương rất quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: “Ban đầu, nông dân trồng sả theo hướng tự phát với diện tích chỉ vài hécta. Do địa phương giáp với thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh nên đầu ra cho cây trồng này khá ổn định. Theo đó, địa phương đã hình thành vùng chuyên canh cây sả với diện tích khoảng 80 hécta cho lợi nhuận tốt”.   

Bà Phạm Thị Tuyết Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Địa phương đã quy hoạch khoảng 36 hécta vùng chuyên canh cây rau và đang triển khai việc đầu tư đường, nạo vét kinh mương để phát triển dự án cánh đồng lớn này. Hiện có 2 doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện đặt vấn đề đầu tư vùng chuyên canh cây gia vị, như: cây bạc hà, ngò gai... theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo đó, địa phương đang hỗ trợ cho 2 hộ dân trồng thí điểm cây bạc hà để từ đó nhân rộng cho các hộ dân”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,998,086       501