Khi xây dựng nông thôn mới, các địa phương tập trung chuyển đổi mô hình chuyên canh cây lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ bắp sang mô hình chuyên canh cây bắp hoặc tăng vụ bắp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhiều địa phương đang triển khai dự án cánh đồng lớn để tăng sức cạnh tranh cho cây bắp. Ảnh: Hải Đình |
Với diện tích khoảng 56 ngàn hécta, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phát triển mạnh về cây bắp và ngày càng nhiều “vua” bắp xuất hiện nhờ không ngừng ứng dụng giống, kỹ thuật mới nâng cao năng suất. Tỉnh cũng đang tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên cây bắp nhằm tăng sức cạnh tranh cho bắp nội trước làn sóng bắp ngoại.
* Đa dạng giống mới
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, cho biết do năm nay mưa muộn, vụ hè - thu trễ hơn nửa tháng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mùa vụ. Hiện Xuân Lộc đã gieo trồng đạt 70% diện tích. Vụ này, toàn huyện có gần 18 ngàn hécta cây ngắn ngày được xuống giống, trong đó bắp vẫn là cây chủ lực với trên 10 ngàn hécta. “Vụ gieo trồng năm nay, huyện có nhiều bước tiến trong việc đưa giống mới vào sản xuất. Điểm nổi bật là trồng đại trà giống bắp biến đổi gen. Giống bắp mới này từng được nông dân địa phương trồng thử nghiệm thành công ở các vụ trước, công ty cung cấp giống lại đang có chương trình khuyến mãi mua 5kg giống được tặng 1kg cùng loại nên thu hút nông dân quan tâm” - bà Hiệp nói.
Đề cập đến nét mới của thị trường giống bắp năm nay, bà Đỗ Thị Chinh, chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp Tiến Chinh (TX.Long Khánh), cho biết thị trường giống bắp mỗi năm mỗi đa dạng vì các công ty liên tục cung cấp thêm giống mới. Trong đó, giống bắp biến đổi gen lần đầu tiên được bán đại trà ra thị trường được nông dân rất quan tâm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 20% so với các giống khác do nhiều nông dân chỉ mới mua về trồng thử nghiệm. Bà Chinh nhận xét: “Giống biến đổi gen có giá cao hơn từ 30-40% so với giống thường nhưng doanh nghiệp sản xuất cung cấp cả gói sản phẩm, mua giống kèm theo thuốc diệt cỏ. Năm nay mưa muộn nên vụ sản xuất hè - thu trễ vụ, các loại giống ngắn ngày được chọn nhiều, giá giống cũng không biến động nhiều so với mọi năm”.
Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, đơn vị cung cấp giống bắp biến đổi gen ra thị trường, cho biết: “Vụ sản xuất này, chúng tôi cung cấp ra thị trường 3 loại giống bắp biến đổi gen, tùy loại thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của mỗi vùng mà có một loại giống phù hợp. Riêng khu vực Đông Nam bộ chủ yếu sử dụng loại giống bắp biến đổi gen ngắn ngày. Chúng tôi không chỉ bán giống biến đổi gen mà cung cấp cả gói giải pháp, bán giống kèm thuốc xịt cỏ; có đội ngũ cán bộ kỹ thuật sẵn sàng về tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân”.
* Phát triển cánh đồng lớn
Trước sự đa dạng của thị trường giống bắp, ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc), cho hay chất lượng giống quyết định rất lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng. Nông dân hiện rất quan tâm đến giống bắp biến đổi gen vì cho năng suất cao, lại tiết kiệm chi phí làm cỏ và có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Vụ sản xuất này, hợp tác xã làm thí điểm cánh đồng lớn cho cây bắp với gần 60 hécta. Theo ông Quang: “Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu bắp ngoại vì cung không đủ cầu nên cây bắp không lo đầu ra. Mục tiêu của chương trình cánh đồng lớn là kết nối đầu vào, đầu ra; sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt, ổn định... để tăng sức cạnh tranh cho bắp nội trên thị trường. Ngoài sản phẩm bắp hạt, hợp tác xã đang liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trồng bắp lấy cây”.
Nói về cơ hội cạnh tranh cho bắp nội, ông Lâm Thanh Đức, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), so sánh: “Bắp nhập có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn bắp nội, nhất là về giá bán. Tuy nhiên, tôi vẫn liên kết với nông dân đầu tư cánh đồng lớn cho cây bắp theo hình thức cung cấp phân bón hữu cơ do được doanh nghiệp sản xuất từ chất thải chăn nuôi và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá tốt, ổn định. Với mô hình này, giá thành sản xuất bắp sẽ hạ, và nhất là tôi kiểm soát được nguồn nguyên liệu thức ăn đầu vào”.
Ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ, cho biết vụ sản xuất này huyện triển khai 2 dự án cánh đồng lớn cho cây bắp với tổng diện tích khoảng 300 hécta với cả 2 loại trồng bắp lấy hạt và bắp trồng lấy cây. Đây đều là dự án các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chủ trang trại tại địa phương đặt hàng với nông dân.
Bình Nguyên