Kinh tế

Nhiều cụm công nghiệp ế ẩm

Sau nhiều lần rà soát, gỡ bỏ, hiện Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp được tiếp tục giữ quy hoạch đến năm 2020. Trong đó, 14 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, 13 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng nên các địa phương đang ra sức mời gọi.

Các cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch có tổng diện tích gần 1,5 ngàn hécta nhằm mục đích di dời, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào sản xuất.

* Ngại đầu tư hạ tầng

Những cụm công nghiệp chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, TX.Long Khánh... Các nhà đầu tư ngại bỏ ra số tiền lớn để đầu tư hạ tầng, việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp chậm sẽ khiến vốn bỏ ra  không hiệu quả. Vì vậy, một số cụm công nghiệp tỉnh đồng ý cho các huyện bỏ kinh phí ra làm chủ đầu tư hạ tầng, sau đó thu hồi lại dần bằng việc cho các doanh nghiệp thuê lại đất.

Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) đã được thuê đất gần hết, nhưng doanh nghiệp đầu tư thứ cấp chưa xây dựng nhà xưởng vì khó khăn về vốn.
Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) đã được thuê đất gần hết, nhưng doanh nghiệp đầu tư thứ cấp chưa xây dựng nhà xưởng vì khó khăn về vốn.

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho hay: “Huyện quy hoạch 4 cụm công nghiệp là: Vật liệu xây dựng Hố Nai 3, An Viễn, Thanh Bình và Hưng Thịnh để thu hút và di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào sản xuất. Đến nay, mới có Cụm công nghiệp Hố Nai 3 do huyện làm chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng, đã lấp đầy. Còn 3 cụm công nghiệp vẫn đang mời gọi nhà đầu tư”. Theo bà Châu, huyện có mời gọi những nhà đầu tư có thực lực làm hạ tầng các cụm công nghiệp, song phần lớn vẫn e ngại là bỏ vốn lớn, lâu thu hút nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh sẽ kém hiệu quả. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế đang dần sáng sủa hơn, cộng với lợi thế về giao thông, Trảng Bom hy vọng thời gian tới sẽ thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

“Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chưa mặn mà với đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là vì chi phí đầu tư hạ tầng lớn, suất đầu tư bằng khu công nghiệp, nhưng diện tích tối đa không quá 75 hécta. Tới đây, huyện sẽ mời các doanh nghiệp hạ tầng có năng lực và tài chính đến để giới thiệu về các cụm công nghiệp trong huyện và thông báo rõ các chính sách ưu tiên để mời gọi nhà đầu tư” - ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, nói.

* Tìm cách gỡ khó

Có nhiều lý do khác khiến đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp không hấp dẫn nhà đầu tư, như: hạ tầng bên ngoài các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa có đường giao thông, cấp thoát nước, thủ tục hành chính còn phức tạp kéo dài, cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh... Để thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, tỉnh có chính sách sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp làm hạ tầng tối đa 20 tỷ đồng/cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh khi di dời vào các cụm công nghiệp nhằm giúp nhà đầu tư hạ tầng sớm lấp đầy các cụm công nghiệp.

Theo Sở Công thương, hiện có 11 cụm công nghiệp trong tỉnh thu hút gần 200 dự án đầu tư vào, trong đó có 3 cụm công nghiệp đã lấp đầy là: Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), Cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Theo quy định của Chính phủ, các cụm công nghiệp có diện tích không quá 75 hécta. Trong những cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, có 5 cụm công nghiệp do UBND các huyện làm chủ đầu tư và 9 cụm công nghiệp do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng làm chủ đầu tư.

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở Công thương, cho biết: “Phát triển cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa mang tính chuyên ngành vào để liên kết phát triển thế mạnh. Hội nhập sâu, sản phẩm muốn cung ứng được cho doanh nghiệp nước ngoài, xuất khẩu phải đảm bảo các yếu tố về nhà xưởng, môi trường nên chỉ có vào cụm công nghiệp doanh nghiệp nhỏ, vừa mới đáp ứng nổi”. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh  đều muốn di dời vào các cụm công nghiệp để yên tâm đầu tư sản xuất. Song, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn có hạn, giá thuê đất cao, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng để vào. 

Theo một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, để hấp dẫn các nhà đầu tư tỉnh nên đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ ngoài hàng rào cụm công nghiệp. Có chính sách hỗ trợ vốn, đơn giản các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, xây dựng... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Tỉnh còn hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, có chính sách hỗ trợ rõ ràng, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa di dời vào cụm công nghiệp khi hoàn thành hạ tầng.

Thấy được chính sách hỗ trợ tốt, khả năng lấp đầy nhanh khi hoàn thành hạ tầng thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sẽ không ngại đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Hương Giang


Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,312,968       223