Kinh tế

Quốc lộ ngàn tỷ bị lún: Chủ đầu tư cam kết khắc phục triệt để

Dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai dài hơn 114km bị lún sâu hình vệt bánh xe trên nhiều đoạn chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Sau khi Báo Đồng Nai phản ánh, các cơ quan chức năng, như: Ban An toàn giao thông Đồng Nai, Cục Đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 và mới đây Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng đã có chuyến kiểm tra đoạn đường này.

Đơn vị thi công đang cho cào bóc mặt đường trồi lún đoạn qua xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc).
Đơn vị thi công đang cho cào bóc mặt đường trồi lún đoạn qua xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc).

Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty 319 hiện đang tiến hành khắc phục những đoạn bị lún và cam kết sẽ nhanh chóng khắc phục triệt để.

10 ngàn m2 đường bị lún

Theo Cục Quản lý đường bộ IV, đơn vị quản lý tuyến đường này, qua kiểm tra suốt tuyến quốc lộ 1 của dự án từ  Bình Thuận đến Đồng Nai, có khoảng 10 ngàn m2 đường bị lún phải khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Chủ đầu tư đã sửa chữa được trên 1 ngàn m2 ở những đoạn lún sâu. Cục Quản lý đường bộ IV đã ấn định thời hạn cho chủ đầu tư khắc phục là ngày 20-5 phải hoàn tất việc khắc phục tạm thời, đồng thời phải sửa chữa triệt để tình trạng lún.

Đại diện Ban An toàn giao thông Đồng Nai cho biết, sau khi quốc lộ 1 nghiệm thu đưa vào sử dụng được một thời gian đã xuất hiện hằn lún sâu vệt bánh xe ở nhiều vị trí, như: tại trình lý km1842+300 đến 1842+600 thuộc huyện Trảng Bom; km 1837+100 đến 1837+300, km1830+000 đến 1831+900 bên phải tuyến thuộc huyện Thống Nhất; đoạn lún có chiều sâu hơn 2,5cm tại km1807+410 đến 1808+950 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, đặc biệt tại km1793+000 đến 1793+300 vết lún sâu hơn 5cm.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông Đồng Nai, thì khi xuất hiện các vệt lún chủ đầu tư đã có sửa chữa nhưng chưa triệt để nên vệt lún lại xuất hiện trở lại. Đơn vị cũng đã yêu cầu chủ đầu tư đến ngày 30-5-2016 phải khắc phục xong những vết hằn lún. Sau ngày này, đơn vị sẽ tổ chức đi kiểm tra, nếu chủ đầu tư khắc phục không xong, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho tạm ngưng thu phí.  

Sẽ khắc phục triệt để

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc chi nhánh BOT 319 - Sông Phan, cho biết đơn vị sẽ cố gắng khắc phục tối đa để đảm bảo theo đúng thời hạn đã cam kết với Cục Quản lý đường bộ IV và Ban An toàn giao thông Đồng Nai yêu cầu. Cụ thể, ở những đoạn bị lún sâu dài 200m như tại thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) và hơn 100m ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), đơn vị đã cho cào bóc đi lớp nhựa trên cùng dày hơn 13cm rồi thảm lớp nhựa mới lên.

Công nhân đang vệ sinh phần đường sau khi phần trồi lún được cào bóc đi.
Công nhân đang vệ sinh phần đường sau khi phần trồi lún được cào bóc đi.

Ngoài khắc phục tình trạng lún hơn 1 ngàn m2, đơn vị đang cho nạo phẳng mặt đường ở các điểm lún dọc tuyến và kẻ lại vạch sơn phân làn đường để đảm bảo an toàn giao thông. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi những điểm lún, nếu tình trạng này vẫn xuất hiện sẽ cho bóc đi lớp mặt đường và thảm lại bằng loại nhựa đường polime. Loại nhựa đường đặc biệt này không bị chảy mềm ở nhiệt độ cao, không tạo ra các vệt lún hoặc nứt vỡ do tải trọng nặng và độ bền cao hơn gấp nhiều lần loại nhựa đường thông thường. Chúng tôi cam kết sẽ khắc phục triệt để tình trạng lún mặt đường” - ông Dũng nói.

Cũng theo lãnh đạo chi nhánh BOT 319 - Sông Phan, hiện Tổng công ty 319 đang cho xác định nguyên nhân việc lún này, kết quả sẽ được kiểm định bằng khoa học. Ông Dũng cho hay, hiện tại đơn vị đang nỗ lực khắc phục tạm thời những điểm hằn lún nhằm đảm bảo an toàn giao thông theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,315,048       358