Kinh tế

Ồ ạt tăng đàn heo "ăn theo" thị trường Trung Quốc: Rủi ro lớn

Trung Quốc vừa đóng cửa khẩu ngưng nhập heo từ Việt Nam. Chỉ trong vòng đôi ba ngày, giá heo hơi đột ngột giảm mạnh, hiện chỉ còn 50-51 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 7 ngàn đồng so với 1 tháng trước đó. Trong khi đó, thời gian qua người chăn nuôi lại đầu tư tăng đàn mạnh để hưởng lợi từ giá heo tăng cao khi thương lái ồ ạt thu mua xuất sang Trung Quốc.

Xe chở heo tập kết tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) chuẩn bị ra Bắc xuất sang Trung Quốc.
Xe chở heo tập kết tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) chuẩn bị ra Bắc xuất sang Trung Quốc.

Điều này đã minh chứng cho lời cảnh báo của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi đã đưa ra trước đó, vì sự rủi ro của việc đua nhau tăng đàn chạy theo thị trường Trung Quốc - thị trường lâu nay chủ yếu vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

* Thị trường bất ổn, dân vẫn tăng đàn

Thời gian qua, nông dân nuôi heo tại Đồng Nai đua nhau đầu tư mở rộng quy mô nuôi. Không khí đầu tư thêm trang trại mới diễn ra sôi nổi nhất vẫn là huyện Thống Nhất, một trong những vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn heo của huyện Thống Nhất tăng thêm khoảng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng đàn là do khoảng vài năm trở lại đây, giá heo luôn ổn định ở mức cao đã khuyến khích người chăn nuôi mở rộng đầu tư.

Ông Trần Quốc Phong, chủ trang trại nuôi heo tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) đang đầu tư trang trại mới với quy mô ban đầu khoảng 100 con heo nái với hệ thống chuồng lạnh, ứng dụng quy trình chăn nuôi khép kín. Tuy nhiên, chính ông Phong cũng tỏ ra lo ngại: “Nhiều năm trước từng xảy ra vụ việc Trung Quốc ồ ạt thu gom hàng đẩy giá heo lên 63 ngàn đồng/kg, nhà nhà đua nhau tăng đàn khiến cả ngành chăn nuôi điêu đứng vì  heo tồn hàng, sau đó rớt giá chỉ còn hơn 30 ngàn đồng/kg”.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tính toán: “Trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất từ 3-4 ngàn con sang Trung Quốc. Như vậy, chỉ khoảng 1 tuần thương lái tạm ngưng thu mua thì số lượng heo tồn đến khoảng trên 20 ngàn con. Do loại heo xuất sang Trung Quốc có trọng lượng từ 1,2-1,7 tạ nên nhiều trang trại thường ghim hàng chờ heo đạt trọng lượng trên mới xuất bán. Bà con nên cân nhắc việc trữ đàn, tránh rơi vào cảnh heo quá trọng lượng bị tồn hàng, rớt giá do thị trường trong nước không ưa chuộng loại heo này”.

Chính các thương lái thu mua heo cũng thừa nhận những rủi ro khi xuất hàng sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ông Trương Văn Quang, thương lái ở tỉnh Bình Định chuyên thu mua heo tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Thời gian qua, thương lái thu mua heo đổ về Đồng Nai rất nhiều, cạnh tranh thu mua nên giá heo liên tục bị đẩy lên. Đầu ra lại nhiều rủi ro nên không ít thương lái đã rơi vào cảnh thua lỗ. Vì đã có tình trạng thương lái chở heo đến biên giới, cửa khẩu bị đóng, heo kiệt sức chết dần do nằm chờ lâu, phải tiêu hủy. Tình trạng này sẽ vẫn còn tái diễn vì cửa khẩu Trung Quốc khi mở, khi đóng rất thất thường”. 

* Cần Cảnh giác

Ông Đoán cho biết thêm: “Trước tình trạng tăng đàn ồ ạt, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đưa ra cảnh báo với người dân không nên chạy theo phong trào. Thực tế, rất nhiều đại gia tay ngang nhảy vào đầu tư chăn nuôi heo đã phá sản chỉ vì chạy theo lợi nhuận trước mắt khi thấy giá heo tăng”.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (trên quốc lộ 1, huyện Xuân Lộc), vài ngày trở lại đây không có chuyến xe chở heo nào ra thị trường phía Bắc do Trung Quốc đóng cửa khẩu. Trong khi trước đó, trung bình mỗi ngày có từ 15-20 xe chở heo, cao điểm có đến 50-60 xe heo ra phía Bắc.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Khang, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa), cho hay 2 năm trở lại đây, C.P. vẫn giữ ổn định số lượng trang trại và tổng đàn heo trên địa bàn Đồng Nai. Nguồn con giống của doanh nghiệp cung cấp ra thị trường cũng không nhiều biến động. “Hiện nhu cầu tiêu thụ chính của mặt hàng thịt heo vẫn là thị trường nội địa. Đầu tư để tăng đàn thường mất cả năm mới thu hoạch, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch gặp rất nhiều rủi ro và thiếu bền vững nên người chăn nuôi cần phải thận trọng, không nên chạy theo phong trào đua nhau tăng đàn gây ảnh hưởng xấu đến cả ngành chăn nuôi”  - ông Khang nói.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết: “Thực tế, nhiều trang trại chăn nuôi lớn được đầu tư trong thời gian qua chủ yếu là do người chăn nuôi thực hiện di dời từ khu dân cư vào các vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của tỉnh. Huyện không khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư. Người chăn nuôi đang có sự chuyển hướng đầu tư trang trại theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh khi bước vào hội nhập”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,318,082       204