Kinh tế

Cơ hội cho Việt Nam trong TPP

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Việt Nam sẽ nhận được nhiều cơ hội tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế - ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP.Hồ Chí Minh nhận định.

Theo ông, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh liên kết sẽ tạo thế “kiềng 3 chân” vững chắc để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tốt hơn.

Thông tin từ AmCham Việt Nam, nếu được Quốc hội 12 nước phê chuẩn, TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP lên đến 28 ngàn tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu. TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam có thể sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước cùng tham gia TPP.

* Tận dụng lợi thế

 Ông từng nhận định TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 10,5% vào năm 2025. Để đạt được con số trên, Việt Nam phải làm gì?

- Qua nghiên cứu về TPP, tôi thấy Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được các nước thành viên phê chuẩn. Những ngành sản xuất của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều và phát triển mạnh là giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ. Đây là mặt hàng Việt Nam có xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước thành viên của TPP. Đối với xuất khẩu, các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có cơ hội liên kết xuất khẩu lớn.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành khi TPP có hiệu lực. Cam kết về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ tác động tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng 10,5% vào năm 2025, Việt Nam chú ý đến phát triển giao thông, dịch vụ vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đơn giản thủ tục hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu, phát triển các chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam, tăng hỗ trợ kỹ thuật, vốn tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Về phía doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, những quy định về lao động, môi trường, chất lượng sản phẩm của TPP và các FTA thế hệ mới. Có như vậy mới tận dụng được những lợi thế.

 Rút ngắn thời gian thủ tục hải quan sẽ giúp Việt Nam tăng thêm cơ hội. Vậy ông đánh giá gì về quá trình thực hiện thủ tục hải quan của Việt Nam so với các nước trong khối ASEAN?

- Tôi thấy Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu khá nhanh. Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục cải cách về thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan nhằm giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ sản xuất, xuất khẩu. Đơn cử năm 2013 xuất khẩu hàng hóa từ cảng Cái Mép sang bờ Tây Hoa Kỳ chỉ mất 15-16 ngày, nhưng thời gian kê khai xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam mất 21 ngày. Đến năm 2015 giảm xuống còn 12 ngày, năm 2016 còn 10 ngày và dự kiến còn hơn 2 ngày vào năm 2018.

Tính theo tỷ lệ thương mại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Nhưng theo tôi, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục có những cải cách để rút ngắn thời gian, đơn giản thực hiện thủ tục hải quan, thuế hơn nữa. So với các nước trong khối ASEAN thì Việt Nam đang có thay đổi tích cực trong việc thực hiện các thủ tục hải quan, song Chính phủ hướng tới áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hải quan qua mạng, tăng tính minh bạch và giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Làm tốt vấn đề này không chỉ giúp cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam phát triển mà còn tăng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực.

* Ưu tiên phát triển LOGISTICS

 Ông từng nói, làm tốt logistics sẽ giúp Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực, không thua kém Hong Kong, Singapore. Muốn phát triển tốt, logistics Việt Nam phải làm gì?

- Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển logistics mang tầm khu vực. Nếu phát triển tốt logistics, Việt Nam sẽ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn không thua kém gì Hong Kong, Singapore. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí logistics cao nhất thế giới, chiếm 25% GDP, tương đương với 37-40 tỷ USD/năm. Do đó, làm giảm tính cạnh tranh về chi phí của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi chi phí logistics của Hoa Kỳ chỉ khoảng 9%, châu Âu 13% và nhiều nước khác 15%. Tổng chi phí logistics bao gồm: chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác. Để phát triển logistics, Việt Nam nghiên cứu và xác định các đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hóa xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi hàng hóa phải luôn “sẵn sàng trong kho”, và với thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển, “sẵn sàng cho tiêu dùng” sẽ mang lại cơ hội mới để ưu tiên đầu tư vào các trung tâm logistics tích hợp. Đồng Nai là tỉnh cửa ngõ giao thông của các tỉnh, thành phía Nam, công nghiệp phát triển, địa hình thuận lợi, có nhiều ưu thế để phát triển logistics. 

Đồng Nai nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành về thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh khá tốt nên mới hấp dẫn hơn 1.500 dự án đầu tư đến từ trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong tương lai khi các đường cao tốc hoàn thành, Sân bay quốc tế Long Thành xây dựng đi vào hoạt động sẽ có nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực đầu vào Đồng Nai hơn. Như tôi đã nói, nếu Đồng Nai phát triển tốt logistics, đơn giản, rút ngắn các thủ tục về đầu tư sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ phía Nam.

 AmCham đã hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt những gì? Trong tương lai AmCham sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam những lĩnh vực nào?

- Thời gian qua, Amcham luôn chú ý hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu về thị trường Hoa Kỳ, những tiêu chuẩn, quy định bắt buộc khi đưa hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này. Tổ chức các hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam với Hoa Kỳ, thông tin về tác động của TPP với Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn... Trong tương lai, Amcham tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên kết mạnh mẽ hơn với các chuỗi cung ứng Hoa Kỳ để đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu kỹ về các quy định của TPP, gợi ý những chính sách cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam...

 Doanh nghiệp tại Đồng Nai phải chuẩn bị những gì để có thể tận dụng được cơ hội từ các FTA đã ký kết và khi TPP chính thức?

- Hai hiệp định thương mại có tác động lớn đến nền kinh tế của Việt Nam là TPP và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Doanh nghiệp Việt Nam cũng như Đồng Nai muốn tận dụng được các cơ hội khi 2 hiệp định này chính thức nên xác định lộ trình cho các hoạt động đầu tư mới, cũng như đưa ra kế hoạch chiến lược về sản xuất hàng hóa, xuất khẩu ở Việt Nam để có thể đáp ứng điều kiện nhận được ưu đãi. Các doanh nghiệp tính đến nguyên liệu, thành phần xuất xứ, phân tích sản phẩm, quy trình sản xuất phù hợp với quy tắc của từng hiệp định. Về phía chính quyền, tỉnh nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước nhằm xác định các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Tỉnh nên mời các chuyên gia thực hiện khảo sát về doanh nghiệp FDI, xác định cụ thể những loại nguyên liệu, hàng hóa trung gian mà các nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp cho doanh nghiệp FDI để đảm bảo cho sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu đủ điều kiện được hưởng ưu đãi theo TPP, EVFTA.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,324,040       110