Kinh tế

Cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí với hàng Việt xuất sang Thụy Điển

Hiện nay, Thụy Điển đang có sẵn các dịch vụ hỗ trợ miễn phí khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường quốc gia Bắc Âu này, đặc biệt là hàng thực phẩm.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Những yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa khi xuất khẩu vào châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng đã được công bố khá chi tiết trong buổi hội thảo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giữa đại diện Bộ Công Thương và BanTthương mại quốc gia Thụy Điển, ​vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Thụy Điển các mặt hàng như thủy sản, cao su, sản phẩm từ chất dẻo, túi xách, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép các loại... và nhập khẩu từ Thụy Điển máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dược phẩm, điện thoại và linh kiện...

Trong năm 2015, Việt Nam đạt kim ngạch nhập khẩu 240 triệu USD và xuất khẩu gần 698 triệu USD sang Thụy Điển, tăng hơn 17%. Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

EU là một những đối tác chiến lược của Việt Nam, trong đó các nước Bắc Âu và Thụy điển là những thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa.

Bà Nesli Almufti, chuyên gia chính sách thương mại, Cục Thương mại Thụy Điển, cho biết đoàn công tác của Bộ Thương mại Thụy Điển sang Việt Nam lần này nhằm tổ chức các buổi tọa đàm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ thêm về Hiệp định EVFTA và trao đổi chi tiết về các quy tắc, tiêu chuẩn có liên quan khi xuất khẩu sang Thụy Điển và EU.

“Cổng giao thương trực thuộc Bộ Thương mại cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể sử dụng cổng thông tin này để yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí, như thông tin về thuế, phí, những ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào Thụy Điển, tất cả các câu hỏi của doanh nghiệp đều được Bộ Thương mại Thụy Điển trả lời qua hộp thư điện tử,” bà Nesli Almufti nhấn mạnh.

Trình bày về các chính sách thương mại của Việt Nam vào EU, đại diện Bộ Thương mại Thụy Điển cho biết, hàng hóa đã vào EU sẽ được tự do lưu thông, luân chuyển vào tất cả các quốc gia thành viên mà không mất thêm một chi phí nào, kể cả khai báo hải quan.

Theo nội dung đã đạt được trong các vòng đàm phán, việc ký kết EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7-10 năm. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. 1% hàng hóa chưa bỏ hẳn thuế thuộc các mặt hàng nông nghiệp.

Tuy nhiên, để hưởng được thuế suất thấp, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện như nằm trong danh mục được ưu đãi, kiểm tra mã sản phẩm chính xác, có chứng nhận xuất xứ, chứng minh hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số quy định bắt buộc khác, như quy định về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn môi trường, một số sản phẩm về may mặc có quy định về dán nhãn hàng hóa...

Về thị trường, Thụy Điển là quốc gia lớn thứ 3 trong EU nên thị trường tiêu thụ hàng hóa của Thụy Điển rất lớn. Đặc biệt, hàng hóa đến thị trường Thụy Điển có thể lưu thông đến quốc gia khác trong EU...

Vietnam+

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,016,820       99