Kinh tế

Mỹ nghệ xuất khẩu đắt hàng

Hai năm trở lại đây, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có nhiều dấu hiệu tích cực hơn về đơn hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không còn cảnh "ăn đong" đơn hàng nữa, nhất là mỗi khi vào mùa thấp điểm.

Hai năm trở lại đây, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có nhiều dấu hiệu tích cực hơn về đơn hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không còn cảnh “ăn đong” đơn hàng nữa, nhất là mỗi khi vào mùa thấp điểm.

Sản xuất chậu hoa bằng gỗ tại Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa).
Sản xuất chậu hoa bằng gỗ tại Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bảy Bình (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), doanh nghiệp chuyên sản xuất chậu hoa bằng tôn, inox xuất khẩu, cho biết hiện nay chuẩn bị vào hè - mùa thấp điểm của lĩnh vực này - nhưng lượng đơn hàng của công ty vẫn khá tốt.

* Mùa thấp điểm vẫn có đơn hàng

Ông Bình mới nhận thêm hợp đồng lớn cho những tháng mùa hè sắp tới. Theo đó, ngành mỹ nghệ xuất khẩu đang dần ổn định hơn, biểu hiện ở chỗ các doanh nghiệp sản xuất uy tín vào mùa thấp điểm vẫn có nguồn đơn hàng tốt để sản xuất, không như giai đoạn trước thường phải “treo máy” vào mùa thấp điểm hoặc sản xuất cầm chừng.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuận Thắng (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất hàng đan lát xuất khẩu, cũng cho rằng từ khi 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu vượt qua được khó khăn (khoảng từ 2014 đến nay) thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam cũng bớt lao đao. 2 năm qua, vào mùa hè công ty ông Thắng vẫn có hàng đều để sản xuất.

Mùa hè vẫn được xem là mùa thấp điểm của hàng hóa xuất khẩu do người dân ở các nước châu Âu, Mỹ đi du lịch nhiều, mua sắm giảm. Tuy nhiên, sức mua ở các thị trường này kể từ đợt khủng hoảng kinh tế năm 2007 đã có xu hướng khác, ngay cả những tháng giữa hè các nhà kinh doanh vẫn bán được hàng. Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc nhà sản xuất tập trung nhiều cho hàng mẫu dùng để chào hàng cho năm mới. Ông Ngô Sỹ Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nam Thành (quận 9, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Vào mùa hè, các doanh nghiệp thường tập trung cho 2 loại hàng là sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng và sản phẩm mẫu cho năm mới. Làm hàng mẫu rất quan trọng, quyết định định cho cả năm sản xuất nên doanh nghiệp nào cũng tranh thủ đầu tư”.

* Còn thua kém về mẫu mã

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2015 xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014. Đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng cho thấy, sở dĩ tăng trưởng xuất khẩu của ngành này khả quan hơn là do nhiều nhà nhập khẩu đang rời bỏ thị trường Trung Quốc, dịch chuyển sang thị trường các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Kiến Hưng Phát (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho rằng ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã giảm bớt áp lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp ở quốc gia “khổng lồ” này đang mất dần lợi thế về lao động, thay vào đó doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu nhiều hơn.

Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam là mẫu mã còn đơn điệu, dẫn đến chưa có được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. “Những mẫu mã đẹp đa phần do doanh nghiệp nước ngoài thiết kế và chúng ta chỉ làm gia công. Thật sự khâu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn khá yếu” - ông Thiện chia sẻ. Theo các nhà xuất khẩu, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nước trong khu vực như là: Thái Lan, Indonesia và Philippines. Lãnh đạo công ty Nam Thành cũng khẳng định, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt đang bị sản phẩm của Philippines lấn lướt ở một số thị trường khó tính với dòng sản phẩm cao cấp.

Quốc Khánh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,019,653       332