Kinh tế

Ông Sofian Akmal Abd. Karim, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP.Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp Malaysia sẽ chọn Đồng Nai làm điểm đến

Theo nhận định của ông Sofian Akmal Abd. Karim, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam đang đứng trong tốp đầu của các nước ASEAN được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm đến cho chiến lược phát triển mở rộng sản xuất và Đồng Nai là một trong những điểm hấp dẫn.

Ông Sofian Akmal Abd. Karim Tổng lãnh sự Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Sofian Akmal Abd. Karim Tổng lãnh sự Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh.

Đến đầu tháng 4-2016, Malaysia đã đầu tư vào Đồng Nai gần 30 dự án với tổng vốn xấp xỉ 500 triệu USD. Đây là là quốc gia xếp thứ ba trong khối ASEAN đầu tư vào tỉnh (sau Singapore và Thái Lan). Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Đồng Nai nhiều nhất là sản xuất các sản phẩm giấy và gỗ.

* Chính phủ Việt Nam khá “nhanh chân”

 Vì sao ông lại đánh giá Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài và kinh tế thời gian tới sẽ có bước tiến dài?

- Tôi đánh giá như vậy là vì hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn so với các nước trong khối ASEAN. Cụ thể là những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, trong đó gồm nhiều FTA thế hệ mới, Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đã chính thức thành lập. Thêm nữa, điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP (hiện đã đàm phán xong) là yếu tố thu hút dịch chuyển đầu tư nước ngoài về Việt Nam để hưởng các ưu đãi về thuế quan, vì đây là khu vực có GDP hàng năm lên đến 28 ngàn tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và 30% tổng thương mại toàn cầu. Ngay cả các quốc gia trong khối ASEAN cũng muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam để bắt lấy cơ hội vàng này.

“Những doanh nghiệp Malaysia đã đầu tư vào Đồng Nai cho biết, quá trình hoạt động tương đối thuận lợi, mọi khó khăn vướng mắc được tỉnh kịp thời hỗ trợ giải quyết nên hầu hết sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Malaysia sau một thời gian đầu tư vào tỉnh làm ăn thuận lợi, nên đã liên tục mở rộng sản xuất. Yếu tố này góp phần thu hút các doanh nghiệp Malaysia đang muốn đầu tư vào Việt Nam muốn chọn Đồng Nai làm điểm đến”.

 Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức thành lập, ông đánh giá ra sao về cơ hội cho các nước trong khối?

- Theo tôi, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập đã đem lại cơ hội nhiều hơn cho 10 nước trong khu vực, vì hình thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, phát triển kinh tế đồng đều, tăng tính cạnh tranh để hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

Thị trường ASEAN cơ bản không còn hàng rào thuế quan nữa, với trên 600 triệu dân và GDP khoảng 3 ngàn tỷ USD/năm sẽ là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác. Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức với đặc thù riêng là “hướng ngoại”, tăng sức mạnh của khối để cạnh tranh với các đối tác lớn. Tuy đem đến cơ hội, nhưng nó cũng kèm không ít thách thức đòi hỏi các nước trong khối phải có quyết tâm và giải pháp phù hợp. Và tôi nghĩ Việt Nam sẽ bắt được nhiều cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN so với nhiều nước trong khối.

Ông từng nhấn mạnh là nhiều doanh nghiệp Malaysia đang muốn đầu tư vào Việt Nam, và Đồng Nai là một trong những điểm đến lý tưởng?

- Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam hội nhập nhanh hơn nhiều nước trong khối ASEAN và với các lợi thế từ các FTA, TPP, các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Malaysia rất muốn đầu tư mới và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đồng Nai được nhiều doanh nghiệp Malaysia chú ý là do đây là tỉnh có đầu mối giao thông thuận lợi, hạ tầng các khu công nghiệp phát triển hoàn chỉnh và rất bài bản. Các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đa dạng ngành nghề. Đặc biệt, gần đây lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển mạnh, những nhà đầu tư mới vào dễ dàng tìm được đối tác liên kết cung ứng nguyên liệu đầu vào để giảm công vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, Đồng Nai gần cảng biển, trong tương lai gần sẽ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành việc đi lại và vận chuyển hàng hóa sẽ thuận lợi hơn.

* Doanh nghiệp Malaysia sẽ đến nhiều hơn

 Các doanh nghiệp Malaysia thường chọn đầu tư vào Đồng Nai ở những lĩnh vực nào, thưa ông?

- Hai lĩnh vực đã được doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Đồng Nai khá thành công là sản xuất sản phẩm từ giấy và gỗ. Theo các doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh, tới đây họ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất ngành mình đang làm và một số ngành mới. Những doanh nghiệp Malaysia đang có ý định đầu tư mới vào tỉnh thì chú ý nhiều đến sản xuất công nghiệp lĩnh vực điện- điện tử, bất động sản, du lịch và viễn thông.

“Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã “nhanh chân” hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN khi ký kết và đàm phán xong nhiều FTA thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam để dễ dàng mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu và hưởng các ưu đãi. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có chính trị ổn định, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đã rất thành công. Và kinh tế Việt Nam những năm gần đây có những bước tăng trưởng khá. Tôi nghĩ với những lợi thế trên thời gian tới nền kinh tế Việt Nam sẽ có những bước tiến dài”.

Vừa qua, tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để nắm rõ các chính sách, quy định trong thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Malaysia đang có ý định đầu tư vào tỉnh. Tôi tin thời gian tới, lượng doanh nghiệp Malaysia đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư sẽ nhiều hơn những năm trước. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Đồng Nai, thì lãnh sự quán cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Đồng Nai cũng như Việt Nam đang có ý định đầu tư vào Malaysia, hoặc liên kết giao thương hàng hóa giữa 2 nước được thuận lợi hơn.

 Lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Malaysia là cải tạo, xây dựng, biến những khu đất xấu thành những điểm du lịch nổi tiếng. Đồng Nai có tiềm năng về du lịch nhưng lại chưa khai thác được, ông có ý định sẽ làm cầu nối để doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Đồng Nai?

- Ngoài công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Malaysia đang muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và du lịch tại Đồng Nai. Tới đây, Lãnh sự quán Malaysia tại TP.Hồ Chí Minh sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp trên lĩnh vực này trực tiếp đến tỉnh tìm hiểu thực tế, nếu phù hợp sẽ chọn địa điểm tiến hành đầu tư. Theo tôi, Đồng Nai là tỉnh cửa ngõ khu vực phía Nam lại có giao thông thuận lợi, diện tích rộng, có đủ đồi núi, sông hồ rất có tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư Malaysia và các nước khác đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh nên có kế hoạch chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá những điểm tỉnh đã quy hoạch để phát triển du lịch và đang mời gọi đầu tư cùng những chính sách, ưu đãi để các doanh nghiệp nước ngoài biết thì kết quả thu hút đầu tư sẽ tốt hơn. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp Malaysia thành công trong việc xây dựng và phát triển các khu du lịch là do thiết kế phù hợp, đầu tư đúng tầm và quảng bá tốt.

 Theo quan điểm riêng của ông, Đồng Nai nên làm gì để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa?

- Những yếu tố để các doanh nghiệp chọn đầu tư vào các tỉnh, thành là vị trí địa lý, giao thông, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thủ tục hành chính giải quyết nhanh, thuận lợi hay không? Chính quyền địa phương có đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn vướng mắc khi gặp phải hay không? Theo tôi, Đồng Nai là nơi có đủ các yếu tố mà nhà đầu tư chọn lựa. Tuy nhiên, nếu thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện nhanh gọn hơn thì tôi nghĩ tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư Malaysia cũng như các quốc gia khác trên những lĩnh vực tỉnh đang mời gọi.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,334,116       185