Thế giới

Thực hư chuyện ‘bệnh ma’ ở gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

TTO - Một số công dân Triều Tiên sống gần bãi thử hạt nhân đã trốn sang Hàn Quốc cho biết họ nghĩ mình bị phơi nhiễm phóng xạ và lo lắng cho sức khỏe người thân còn ở đó.

Thực hư chuyện ‘bệnh ma’ ở gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh 1.

Một người phụ nữ đang đi phía trước các ngôi nhà tại ngôi làng gần Kimchaek thuộc bờ biển phía đông bắc Triều Tiên, khu vực này cách huyện Kilju khoảng 22 dặm về phía nam - Ảnh: AFP

Đài NBC (Mỹ) thuật lại câu chuyện mà bà Lee Jeong Hw, một công dân Triều Tiên thuộc độ tuổi trung niên có nước da mai mái và đôi mắt nâu sẫm. Bà cho biết thường xuyên cảm thấy đau trong người, nhưng ở quê nhà, mọi thứ còn tồi tệ hơn.

Bà kể: "Có rất nhiều người đã chết khi chúng tôi bắt đầu gọi nó là "bệnh ma". Chúng tôi đã nghĩ mình chết vì nghèo và ăn uống khổ quá. Nhưng nay chúng tôi hiểu đó là vì phóng xạ".

Bà Lee đang điều trị cái chân phải bị đau tại văn phòng của tổ chức phi chính phủ SAND, một tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người Triều Tiên tại Seoul.

Năm 2003 bà Lee từng bị bắt trong khi cố tìm đường trốn khỏi Triều Tiên. Tới năm 2010 bà đã đào thoát thành công khỏi quê nhà tại huyện Kilju, cũng là nơi đặt bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Trong 7 năm bà Lee sống tại Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong Il, đã thử hai quả bom hạt nhân gần nhà bà.

Kể từ sau khi ông Kim Jong Il qua đời năm 2011, con trai ông, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thử hạt nhân thêm 4 lần nữa. Một lần trong đó diễn ra vào tháng 9 năm nay và ông Kim Jong Un tuyên bố đó là lần thử bom H.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, phóng xạ có thể gây tổn thương tới chức năng hoạt động của mô và các cơ quan nội tạng, tùy theo mức độ bị phơi nhiễm. Ở mức độ phơi nhiễm thấp hơn, nó có thể gây nguy cơ bị ung thư về lâu dài với sức khỏe con người.

Thực hư chuyện ‘bệnh ma’ ở gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh 2.

Hai mẹ con người Triều Tiên đang kéo xe trên con đường gần huyện Kilju ngày 17-11 - Ảnh: AFP

Chưa thể khẳng định

Bà Lee và những công dân Triều Tiên khác từng trốn khỏi đất nước kiên quyết cho rằng những cuộc thử nghiệm hạt nhân đã gây tác động tổn hại tới sức khỏe của họ. Tuy nhiên các chứng cứ khoa học và quan điểm của giới chuyên gia vẫn chưa xác quyết về vấn đề này.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra tình trạng nhiễm độc phóng xạ của bà Lee và 29 công dân Triều Tiên khác từng sống ở huyện Kilju. Bà Lee cho biết các kết quả xét nghiệm trả về của bà cho thấy họ đã không bị nhiễm độc phóng xạ.

Bên cạnh những thông tin do bà Lee và những người khác cung cấp, rất khó để xác nhận phóng xạ là nguyên nhân gây ra các bệnh tật trên diện rộng như máu trắng và các chứng ung thư khác, những bệnh mà theo các công dân này đang hủy hoại vùng quê Kilju của họ.

Ông Suh Kune-yull, giáo sư công nghệ hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) cho rằng sự thật thì giới nghiên cứu đang rơi vào tình trạng ‘bị thiếu hoàn toàn các dữ liệu".

Ông nói về những công dân Triều Tiên đã bỏ chạy sang Hàn Quốc: "Tôi không nghĩ là họ nói dối. Chúng ta phải tin lời họ, nhưng tôi không có nhiều thông tin đáng tin cậy".

Cả bà Lee lẫn bà Rhee Yeong Sil, một công dân Triều Tiên khác đã bỏ trốn sang Hàn Quốc năm 2013 cũng có mặt tại văn phòng tổ chức SAND, đều nói trong suốt nhiều năm, họ không hề biết Triều Tiên đã thử hạt nhân.

Họ không để ý tới những cơn rung chấn và chỉ biết sự thật sau khi đã tháo chạy khỏi quê nhà.

Bà Rhee nay đã ở độ tuổi 60 cho biết bà sống cách bãi thử Punggye-ri chỉ vài dặm và một người hàng xóm của bà đã sinh một đứa trẻ quái thai.

Bà Rhee nói: "Chúng tôi đã không thể biết giới tính của đứa trẻ vì nó không có bộ phận sinh dục. Tại Triều Tiên, những đứa trẻ quái thai thường sẽ bị giết. Do đó cha mẹ đứa trẻ đã giết nó".

Một số lời kể của bà Rhee và bà Lee nói về tình trạng phơi nhiễm phóng xạ trong những năm 1990 và thậm chí từ những năm 1980, trong khi vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên phải tới năm 2006 mới diễn ra, làm dấy lên những nghi vấn về việc có thể có một nguyên nhân khác không phải việc thử hạt nhân đã làm ô nhiễm môi trường và khiến người dân sở tại mắc bệnh.

Người đứng đầu tổ chức SAND, bà Choi Kyung Hui, cũng là một công dân Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc, đề xuất giả thuyết có thể các hoạt động quân sự tại Punggye-ri trong nhiều năm trước khi tiến hành các vụ thử hạt nhân đã là nguyên nhân gây ô nhiễm trong khu vực này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        518,640       46