Anh Tuấn Anh ở quận Tây Hồ cùng các nghệ nhân dành 7 tháng sáng tạo chậu đào hình rồng bằng gỗ chò dài 8 m, nặng hơn 9 tấn, dùng xe cẩu 25 tấn để di chuyển.
Chậu đào 'Long quyển ngũ hành sơn'. Ảnh: Nguyễn Ngoan. |
Giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, các nhà vườn ở quận Tây Hồ trưng nhiều loại đào, quất dọc hai bên đường Lạc Long Quân. Trong số những cây đào "khủng", chậu đào hình rồng bằng gỗ chò, "cõng" trên lưng năm cây đào thế, nổi bật nhất.
Nhìn thấy chậu đào lớn, ông Nguyễn Văn Dụng đang đi đường tranh thủ vào xem. Ông Dụng cho biết đây là đầu tiên nhìn thấy chậu đào công phu và lớn như vậy nên dù đang có việc cũng cố nán lại. Ông chụp ảnh chậu đào từ nhiều góc độ trước khi rời đi.
Đang đưa cháu đi dạo, ngắm đào Tết, bà Hoàng Thị Lan, ở đường Lạc Long Quân, cũng bị thu hút bởi chậu đào rồng. Bà Lan cho hay chậu đào được đặt ở đây từ ba hôm trước, nhưng nay mới có cơ hội ra xem.
"Chậu đào làm cho cả con phố có không khí Tết, các chi tiết đều được làm rất đẹp. Tôi chưa từng thấy một chậu đào nào được trồng kỳ công như thế", bà Lan chia sẻ rồi cùng cháu ngắm nghía, chụp ảnh.
Các nghệ nhân hoàn thành phần tiểu cảnh cho chậu đào. Ảnh: Nguyễn Ngoan |
Chậu đào rồng là tác phẩm của anh Nguyễn Tuấn Anh và các nghệ nhân ở phường Phú Thượng. Anh Tuấn Anh là người trồng đào lâu năm, lại yêu nghệ thuật nên muốn tạo ra tác phẩm độc đáo. Giữa năm 2019, anh cùng các bạn lên ý tưởng, thiết kế và bắt đầu chọn gỗ, thuê nghệ nhân và đặt tên tác phẩm là "Long quyển ngũ hành sơn".
"Long quyển ngũ hành sơn" dài hơn 8 m, nặng hơn 9 tấn ôm trọn năm cây đào tượng trưng cho năm ngọn núi. Năm gốc đào lâu năm, được chọn từ nhiều vườn của làng nghề đào Phú Thượng, mang ý nghĩa cầu mong bình an, may mắn, sum vầy. Dự kiến khoảng 25 Tết, những cây đào sẽ nở bung.
Khác với những hình rồng được chế tác, chậu đào rồng với phần đầu quay về phía thân tượng trưng cho truyền thống hướng về nguồn cội của người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Chậu đào được làm từ gỗ chò Nam Phi nguyên khối.
Nhiều người đi đường tò mò dừng lại chụp ảnh cây đào. Ảnh: Nguyễn Ngoan. |
Anh Đào Thanh Hải (thợ chính) cho hay để có tác phẩm này, các nghệ nhân đã phải kỳ công suốt hơn nửa năm, điêu khắc tỉ mỉ từng chi tiết.
"Tiền công thợ tốn hơn 100 triệu, chưa kể nguyên vật liệu khác", anh Hải tiết lộ.
Ngoài chậu và cây, các nghệ nhân còn kết hợp bài trí tiểu cảnh trên chậu để thêm phần sinh động. Để di chuyển chậu cây, chủ nhân cây đào phải thuê xe cẩu 25 tấn. Mức giá cho khách thuê chậu đào rồng đến hết Rằm tháng Giêng là khoảng 600 triệu đồng. Nếu muốn sở hữu, khách phải chi khoảng 1 tỷ đồng.
Nguyễn Ngoan
chậu đào hình rồng, Long quyển ngũ hành sơn, tết, hoa đào, cây kiểng tết 2020, cây cảnh chơi tết 2020, xu hướng cây cảnh tết 2020, thị trường cây cảnh