Anna bị cưỡng hiếp gần như hằng đêm suốt 13 năm, 4 lần mang thai và sinh con với kẻ giam cầm mình và gần như không được bế con.
Anna bị bắt từ năm 15 tuổi. Ảnh: Alamy |
16 năm sau khi thoát khỏi cuộc sống nô lệ tình dục, Anna Ruston, người Anh, hiện 44 tuổi, mới có đủ dũng khí để lần đầu tiên chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình, khi cô từng bị bắt cóc và cưỡng hiếp gần như hằng đêm trong suốt 13 năm.
Gần như suốt thời gian ấy, Anna bị nhốt trong phòng ngủ, sự liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài của cô là những lần đến bệnh viện điều trị vết thương và bốn lần sinh nở. Những đứa trẻ vô tội ấy, kết quả của việc bị cưỡng hiếp nhiều lần, cuối cùng đã bị "tên quái vật bắt cóc, giam cầm cô" bán cho người khác.
Trong mỗi lần đến viện, gã đàn ông ấy lúc nào cũng ở bên Anna, giả vờ như thể là chồng cô. Bản thân Anna cũng thường xuyên lo sợ, không dám hé răng với bất kỳ ai.
"Tôi vẫn còn nhìn thấy căn phòng ngủ đó, cả cái góc mà tôi thường nằm co ro vì đau. Và tôi cũng còn nhớ như in cái mùi hôi thối trong phòng, cái can nhựa hắn đưa cho tôi để đi vệ sinh, mùi tỏi nồng nặc trên người hắn. Có lúc tôi còn không biết mình sống để làm gì", Anna kể.
Anna nhớ lại cô chỉ biết giữ cho đầu óc mình không trở nên điên loạn, mụ mị bằng cách trò chuyện với bà ngoại đã mất, người đã nuôi dưỡng cô khi cô bị cha mẹ chối bỏ. Ngoài ra, Anna cũng giấu bức ảnh nhỏ của người bạn trai đầu tiên Jamie dưới sàn nhà và thỉnh thoảng đưa ra ngắm nghía.
Bị bắt cóc và giam cầm từ khi 15 tuổi, Anna chưa một lần cảm thấy mình có đủ dũng cảm để đưa ra những chứng cứ tố cáo gã đàn ông đã giam giữ, hành hạ mình trước pháp luật. Cảnh sát đã phải cố gắng giúp cô thay đổi suy nghĩ, thậm chí nói rằng một nạn nhân khác tương tự cũng sẽ sẵn sàng lên tiếng nếu cô có đủ can đảm để nói ra.
Tuy nhiên, Anna chọn giải pháp chia sẻ câu chuyện của mình trong cuốn sách có tên "Secret Slave" (Nô lệ bí mật). Cô hy vọng sẽ sớm có đủ can đảm để tố cáo gã đàn ông kia ra tòa.
Anna kể lại năm 15 tuổi, khi đang ở cùng với một người bạn của mẹ thì bị Malik, một tài xế taxi người châu Á, dụ dỗ. "Bà tôi mất năm tôi 10 tuổi, còn bố mẹ thì chối bỏ, không nhận tôi", Anna chia sẻ.
"Hồi ấy nếu có ai bày tỏ tình cảm yêu mến, tôi sẽ không ngần ngại mà đón nhận ngay. Cảm giác có người quan tâm đến mình thật tuyệt. Khi hắn rủ tôi về nhà hắn uống trà, hắn đã biết sẽ chẳng có ai nhớ đến tôi cả. Có rất nhiều cô gái dễ bị tổn thương, dụ dỗ như tôi, chuyện ấy có thể xảy ra trên bất kể con phố nào", Anna nói. "Malik mua cho tôi những bộ quần áo theo truyền thống nước hắn, nhuộm tóc tôi thành màu đen, bắt tôi quàng khăn và lúc nào cũng phải cúi đầu xuống".
Anna bị bắt đi vào năm 1987, chỉ hai ngày sau khi cô đón sinh nhật tuổi 15. Cô sống cùng với Malik, các anh em trai của anh ta, vợ con họ và cả mẹ Malik. Lúc mới bị dẫn về nhà Malik và ngủ lại đây một đêm, Anna đã nghĩ hắn sẽ đưa cô trở lại chỗ cũ vào sáng hôm sau. Tuy nhên, đêm hôm ấy, Malik đi vào phòng, đánh đập cô dã man rồi cưỡng hiếp, sau đó nhốt cô trong đó.
Sự hành hạ ấy xảy ra với Anna gần như hằng đêm trong suốt 13 năm bị giam cầm. Malik thậm chí còn bán cô cho những gã đàn ông thường đến chơi nhà để lấy tiền.
Cuốn tự truyện của Anna "Secret Slave". Ảnh: The Sun |
Những người chị em dâu trong nhà đôi khi tỏ ra thân thiện, thỉnh thoảng lại tuồn vài viên thuốc giảm đau vào phòng cho Anna. Họ giúp cô trang điểm vùng mắt để che đi những vết thâm tím. Nhưng họ cũng sợ hãi không dám nói ra điều gì, bởi bản thân họ cũng thường xuyên bị bạo hành, đánh đập.
Khoảng thời gian duy nhất mà Malik không ra tay với Anna là khi cô mang bầu. Suốt 13 năm bị bắt làm nô lệ tình dục, cô sinh được bốn đứa con. Ngay từ khi mới sinh đứa đầu, Malik đã nảy ra ý định sẽ bán đi để lấy tiền.
Tuy bị hãm hiếp, làm nhục nhưng Anna từng rất hạnh phúc khi biết có một hình hài bé nhỏ đang dần lớn lên trong bụng mình. "Khi đứa bé chuyển động trong bụng, bạn sẽ có cảm giác mình không đơn độc", Anna nói.
Thế nhưng, ngay khi đứa con đầu tiên chào đời ở bệnh viện, Malik đã nhanh chóng làm các thủ tục để Anna được về nhà, đồng thời bán đứa bé đi.
"Tôi gần như không một lần nào được bế các con, không có lấy một cơ hội được làm mẹ chúng", người phụ nữ hiện 44 tuổi đau khổ nhớ lại. "Giờ tôi cũng không biết chúng đang ở đâu".
Một lần, cảnh sát đến tận nhà Malik để thăm dò sau khi người ta nghe thấy những tiếng la hét của Anna, tuy nhiên Malik đã thuyết phục được họ rằng mọi chuyện đều ổn. Đối với Anna, cô cho biết đã sợ hãi đến mức không hề có ý nghĩ sẽ bỏ trốn.
"Tôi từng định trốn ra ngoài theo lối cửa sau nhưng đều bị bắt lại và đánh đập dã man", cô kể. Thay vào đó, Anna vài lần cố gắng tự tử, chẳng hạn nhảy từ trên cầu thang xuống, hay dùng khăn quàng siết cổ mình. "Nhưng tôi bị nghẹt thở và không chịu nổi", cô nói.
Cuối cùng, Anna đã nghĩ ra cách để giải thoát mình bằng cách cầu xin sự giúp đỡ từ một nhân viên y tế đến khám bệnh tại nhà. Cô lấy hết dũng cảm, viết một mảnh giấy có dòng chữ "cứu tôi" vào cái ngày Malik và những người trong gia đình anh ta tiến hành cầu nguyện lễ Eid của người Hồi giáo.
Lúc nhân viên y tế kia đến, Anna thả tờ giấy kia xuống nền nhà. Cô nhớ lại: "Tôi nghĩ cô ấy đã thấy nghi ngờ từ trước, bởi cô ấy nhanh chóng dùng chân dẫm lên, rồi nhặt tờ giấy lên". Khi đưa cho Anna một mẫu giấy tờ để ký vào, nữ nhân viên kia đã trao cho cô tờ giấy khác với nội dung: "Sau khi ra khỏi nhà, tôi sẽ gọi vào điện thoại bàn của gia đình ba hồi chuông".
Kế hoạch bỏ trốn ấy cuối cùng đã thành công. Như dự tính, hôm đó có rất nhiều người tới nhà Malik cầu nguyện, và sau khi chuông đổ, Anna xin phép đi vệ sinh và được đồng ý.
Ban đầu Anna định trốn lần nữa bằng cửa sau, nhưng may mắn thay cô nhìn thấy chìa khóa vẫn đang cắm vào ổ khóa cửa trước, vì thế cô nhanh chóng bỏ chạy theo nữ nhân viên y tế kia. Lúc phát hiện ra việc này, Malik đã liên lạc với cảnh sát, khẳng định "vợ mình" vừa bỏ trốn và "đang gặp vấn đề về tâm thần".
Cuối cùng Anna đã khiến cảnh sát tin vào câu chuyện của cô, tuy nhiên cô không dám đứng lên tố cáo. Trong một thời gian ngắn, dưới sự bảo vệ của cảnh sát, Anna ở cùng mẹ. Cô cho hay bố mẹ cũng như các nhân viên dịch vụ xã hội đều không hề tìm kiếm cô sau khi mất tích.
Người phụ nữ từng trải qua hơn chục năm giam cầm chỉ cảm thấy vui vẻ, và được cứu rỗi khi gặp lại mối tình đầu Jamie. Bản thân Jamie, người đã đi theo ngành quân đội, cũng rất vui khi gặp cô. Cả hai từ từ vun đắp lại tình cảm. "Suốt một thời gian dài tôi thường gặp khó khăn trong việc tiếp xúc cơ thể. Tôi chỉ dám để anh ấy nắm tay", Anna nói.
Nhưng Jamie chấp nhận và cho rằng nỗi lo sợ đó của Anna là bởi cô đang gặp vấn đề về tinh thần. Cả hai sau đó dọn về sống chung một nhà. Mãi đến năm ngoái, Anna mới tiết lộ sự thật.
"Anh ấy ra ngoài một ngày, tôi đã nghĩ mình mất anh thật rồi, và cho rằng anh sẽ phán xét tôi. Thế nhưng lúc trở về nhà, anh ấy chỉ ôm tôi thật chặt", Anna kể.
Hiện tại, cặp vợ chồng sinh được 4 đứa con, hai trai hai gái.
Tuy đã thoát khỏi cuộc sống giam cầm nô lệ 16 năm, Anna vẫn chưa hết đau đớn về thể xác. Cô còn gặp chứng cuồng ăn, trầm cảm và rối loạn căng thẳng dẫn tới chấn thương tâm lý, khiến cô hiếm khi rời khỏi nhà. Cô hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn phải sống với những cơn đau đớn về thể xác và tâm trí cũng trở nên tự do, tự tại, hết lo âu.
Theo Mirror
cưỡng hiếp, nộ lệ tình dục, Anh, phụ nữ, hãm hiếp - Ác mộng trần gian của người phụ nữ 13 năm làm nô lệ tình dục