Bà Nguyễn Ánh Hồng ở huyện Bình Chánh, TP HCM bán vé số dạo khắp các ngả đường để nuôi bé trai bị bỏ rơi mắc bệnh ung thư não.
Bà Hồng chỉ là mẹ nuôi của Nguyễn Hồng Tâm (15 tuổi), cậu bé bị bỏ rơi từ hơn chục năm về trước. "Cách đây hơn 15 năm, khi đang bán vé số trên vỉa hè, tôi tình cờ bắt gặp người phụ nữ đang mang thai. Nghe chị ta tâm sự ý định bỏ cái thai, tôi nói giữ lại để tôi nuôi. Ba tháng sau khi sinh, chị ta giao con cho tôi rồi bỏ đi cho đến bây giờ, tôi không gặp lại", bà Hồng kể và cho biết, khi mới sinh Tâm bình thường như các đứa trẻ khác, nhưng khi 3 tuổi thì em bắt đầu đổ bệnh.
Chờ nhiều năm không thấy mẹ bé Tâm nhận con, bà Hồng đã trình báo công an. Khi biết bé sẽ được đưa vào trại mồ côi, không đành lòng, bà đã chạy vạy làm giấy khai sinh cho bé với cái tên Nguyễn Hồng Tâm. "Tôi chưa bao giờ lấy cảnh ngộ của con mình để kiếm tiền bằng sự thương hại. Con tôi đau ốm, bệnh tật liên miên, tôi có phận sự nuôi dưỡng. Cách đây một năm thôi, hai mẹ con tôi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà", bà giãi bày.
Theo bà Hồng, năm 2014, sau khi phẫu thuật não tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, bé Tâm thường xuyên cười nói, có lúc không kiểm soát được hành động bản thân. "Bé hay cắn và chạy nhảy nên mỗi lần bán vé số ở những nơi đông dân cư, tôi phải lấy dây dù cột tay hai mẹ con lại để nó khỏi lạc đường. Từ đầu năm đến giờ, Tâm bị lạc bốn lần rồi", bà cho biết.
Nhiều lúc thương con trai hiếu động, người mẹ tháo dây dù để Tâm có thể tự do chạy nhảy trên phố.
Khu vực chợ An Đông, quận 5 là nơi hai mẹ con thường lui tới bán vé số vào ngày cuối tuần. Tiểu thương và người dân sống tại đây quen mặt và đồng cảm với cảnh ngộ hai mẹ con nên thường mua vé, cho tiền. "Tôi thấy hai mẹ con bán vé số ở đây lâu lắm rồi. Đã nghèo lại phải chạy vạy chữa bệnh cho con. Tội lắm!", bà Hương, người bán hàng ở chợ An Đông chia sẻ.
Những lúc con trai ngứa miệng, bà lại đưa tay để bé cắn. "Nó cắn đau nhưng miết rồi tôi cũng quen. Cũng không rõ vì sao con tôi hay cắn nữa", bà nói.
Bà cho biết sức khỏe của Tâm giờ đã đỡ hơn nhiều. "Trước đây, Tâm không thể đi lại, cũng không nói năng được. Có khi đi làm, tôi phải cõng con đi cùng", bà Hồng kể.
Để có thể trả viện phí cho con trai, bà dành dụm tiền bằng việc bán vé số và làm việc vặt cho các gia đình. Công việc bán vé số kéo dài từ 6h đến khoảng 21h ở các quận 5, 10 và dọc quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.
Bữa trưa của hai mẹ con bà Hồng có khi là một ổ bánh mì hoặc bánh tráng trộn kèm nước uống miễn phí trên vỉa hè.
"Trước đây, mỗi ngày, tôi có thể bán được trên 200 tờ vé số, kiếm được 200.000 đồng, nhưng hiện nay chỉ bán được hơn 100 tờ, mà có khi bán từ sáng hôm trước, hôm sau vẫn còn nhiều vé", bà Hồng nhẩm tính.
Căn chòi 15 m2 ở ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh là nơi ở của mẹ con bà Hồng. Bà cho biết, hạnh phúc gia đình tan vỡ từ khi bà mang thai đứa con đầu lòng. "Giờ ngoài thằng Tâm, tôi còn một cô con gái 22 tuổi, cũng đang làm nghề bán vé số và ở cùng người thân. Tôi mong sẽ trả hết nợ nần, làm lụng có tiền để sửa căn nhà rồi cho Tâm đi học tiếp", bà chia sẻ.
Những bức ảnh Tâm chụp lúc điều trị bệnh ung thư ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. "Thằng Tâm có phúc lắm, đã chết hụt mấy lần vì bệnh, má nó còn lì hơn, gặp người khác có lẽ buông xuôi rồi", bà Nguyễn Thị Mười, hàng xóm nhận xét.
Niềm hạnh phúc của bà Hồng sau một ngày bán vé số là ôm con trai vào lòng. "Bữa nghe con tâm sự là sau này nó sẽ học nghề sửa xe để nuôi mẹ bằng đĩa cơm tấm và ly cà phê mỗi ngày, tôi mừng rớt nước mắt. Với tôi, gặp nó giống như duyên số, thương nó lắm nên không thể bỏ được", bà nói.
Theo VnExpress