Chỉ bán cơm trắng không kèm thức ăn, quán 'Cơm không' gần ga xe lửa Sài Gòn mỗi ngày phải nấu đến 500 kg gạo mới đủ phục vụ thực khách.
Đường Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM nhiều năm nay nhộn nhịp bởi san sát hàng quán, thế nhưng đặc biệt hơn cả chính là sự có mặt của "xóm cơm trắng", tên gọi của những quán chỉ bán mỗi cơm mà không có thức ăn. Đi ngang đoạn đường này từ mờ sáng, khách vãng lai đã có thể ngửi được mùi gạo bốc hơi thơm thơm.
Mở cửa từ khi mặt trời chưa mọc, không khí của các quán nhộn nhịp cảnh vo gạo, châm nước và xới múc. Do phải nấu với số lượng lớn nên gạo được cho vào những thau khổng lồ, vo thật sạch trước khi cho vào các nồi điện loại khủng để nấu.
Mỗi nồi nấu một lúc gần 5 kg gạo. Nồi cơm này vừa xong thì nồi khác lại tiếp tục được nấu. Việc nấu cơm được các quán bắt tay thực hiện từ 5h sáng đến tận chiều tối.
Sôi động nhất "xóm cơm trắng" phải kể đến quán của chị Nga. Trong khu nhà khoảng 20 m2 có đến hàng chục chiếc nồi to, lúc nào cũng trong tình trạng bật sáng đèn ở chế độ nấu.
Cơm vừa chín thì được cho vào các túi lớn để giao cho các quán bán cơm ở vỉa hè hoặc các quán bán cơm chiên gà xối mỡ cùng một số quán ăn, nhà hàng trên địa bàn.
Bao cơm lớn nhất là loại 5 kg, giá bán chỉ vài chục nghìn đồng. Lượng cơm giao cho hàng quán chiếm hơn nửa số cơm mà các quán cơm trắng nấu mỗi ngày.
Hình thức kinh doanh khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng với những người lao động nghèo hoặc những người quá bận việc, các quán cơm trắng lại là nơi cứu cánh của họ.
Nhiều người quen thuộc với quán đến mức chỉ cần dừng xe là cơm đã được giao tận tay. "Với chúng tôi, dịch vụ này quá tiện lợi. Nhiều hôm quá vội, chỉ cần mua bọc cơm về chiên trứng và xào miếng rau là đã có được bữa cơm", một khách hàng nói.
Chị Nga chủ quán cơm đông khách nhất khu vực cho biết mở quán đã được hơn 17 năm. "Lúc đầu bán mỗi ngày chừng hơn tạ gạo. Đến nay mỗi ngày phải nấu đến 500 kg mới đủ phục vụ. Khách đến mua đủ thành phần, trong đó có những người nghèo. Nhiều người đến mua 2.000 đồng tôi cũng bán", bà chủ vui vẻ nói.
Phục vụ với giá bình dân nhưng gạo mà các quán chọn nấu là loại gạo trắng, khi nấu thành cơm thì dẻo xốp chứ không bị khô.
Không đắt hàng như quán của chị Nga nhưng đoạn cuối đường Nguyễn Thông cũng có nhiều quán khác phục vụ món tương tự với giá rẻ. Nói như nhiều người nghèo sống quanh khu vực, rằng "sống ở Sài Gòn thấy khó khăn nhưng lại không bị đói", bởi đôi khi chỉ cần 2.000 đồng đã có được nắm cơm to.
Mr. True