Chỉ vài phút sau khi được ông ngoại cho ăn cào cào nướng, bé trai ở Lâm Đồng trào bọt mép rồi nôn ói dữ dội.
Tại Trung tâm Y tế huyện Di Linh (Lâm Đồng), bé tiếp tục nôn ói, than đau bụng, co giật và thở kém. Nghi ngờ ngộ độc, các bác sĩ đã lập tức kích nôn và rửa dạ dày để loại bỏ phần thức ăn còn lại. "Phải mất nhiều giờ đồng hồ sau đó bé mới dần hồi phục", một bác sĩ nói.
Trò chuyện với bác sĩ, phụ huynh của bệnh nhi cho biết, bà ngoại bé bắt được mớ cào cào ngoài rẫy mang về đưa cho ông ngoại nướng cho cháu ăn. "Chỉ vài phút sau khi ăn, bé bắt đầu trào bọt mép, nôn ói và co giật".
Côn trùng là thủ phạm khiến nhiều người bị ngộ độc. Ảnh: Loa Kèn |
Theo thống kê cả nước của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do ăn các loại côn trùng, ấu trùng vẫn thường xảy ra.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là buồn nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân và có thể tử vong. Thường người già, người vừa uống rượu, phụ nữ có thai và trẻ em có biểu hiện nhiễm độc nặng hơn.
Nguyên nhân các vụ ngộ độc thường là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Thiên Chương
ăn cào cào, căn châu chấu, ngộ độc cào cào, bé 4 tuổi ngộ độc, ăn côn trùng - Ăn cào cào nướng, bé 4 tuổi trào bọt mép và co giật