Thời cuộc

Quái chiêu của những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ

Khi bị phát hiện, 'sưa tặc' sẵn sàng chống trả, dọa bắn súng, rải đinh ba cạnh trên đường, hay khóa trái cửa của tất cả người dân trong làng.

Sở hữu nhiều cây sưa cổ thụ được giới buôn sưa định giá lên tới vài trăm tỷ đồng, gần một thập niên qua, người dân thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lâm vào tình trạng “mất ăn mất ngủ” để bảo vệ cây gỗ được xem là ""vàng ròng lộ thiên". Nhưng tiền thì chưa thấy, chỉ thấy những phiền toái, lo lắng và căng thẳng vì phải đối phó với những kẻ chặt trộm gỗ sưa.

quai-chieu-cua-nhung-ke-trom-go-sua-tien-ty

Những cây sưa có tuổi thọ hàng trăm năm quanh năm tỏa bóng mát sân đình Quán Giá.

Tình trạng mất trộm gỗ sưa tại đình Quán Giá, thôn 5, xã Yên Sở đã xảy ra từ năm 2007. Không ít lần, công an xã phải trực chốt tại đình để canh cây ngay cạnh đó nhưng vẫn không ngăn nổi đám “sưa tặc”. Nhiều cuộc họp xã, họp làng được diễn ra để đưa sáng kiến bảo vệ những cây sưa, bằng cách quấn thép gai quanh cây, xây gạch bao quanh… Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, hàng rào sắt, lô cốt bị dỡ bỏ vì nhiều người cho rằng mất mỹ quan và không khác gì “chỉ điểm” cho kẻ trộm biết những chỗ nào có cây gỗ sưa.

Cụ Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi, thủ nhang đền Quán Giá) cho biết: “Đình Quán Giá là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thờ anh hùng dân tộc Lý Phục Man - một danh tướng đã có công phò giúp Vua Lý Nam Đế chống quân xâm lược phương Bắc từ thế kỷ thứ VI để lập nên nhà nước Vạn Xuân. Trước đây các cụ trồng nhiều cây gỗ sưa quý hiếm lắm, nhưng hiện nay thì chỉ còn lại một số ít thôi. Phần vì sâu bệnh, phần do bị trộm cưa đi mất mà vẫn chưa bắt được kẻ nào cả”.

Theo một số người dân địa phương, trong khoảng 10 năm nay, hàng chục vụ mất trộm gỗ sưa với giá trị nhiều tỷ đồng đã xảy ra nhưng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm và số gỗ đã bị lấy mất đó. Khi phát hiện ra các âm thanh giống với tiếng cưa máy, tiếng xe ôtô tải nổ máy ầm ầm ngay gần đó của nhóm “sưa tặc”, nhiều người dân hô hoán nhau để ngăn chặn thì mới tá hỏa thấy cổng nhà mình đã bị nhóm trộm… khóa trái.

quai-chieu-cua-nhung-ke-trom-go-sua-tien-ty-1

Cụ Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi) tỏ ra tiếc nuối khi hàng cây gỗ sưa của làng đã bị trộm chặt mất nhiều cành to.

Bà Nguyễn Thị Lan, một cao niên trong làng, nói: “Vào lần mất trộm sưa hồi cuối năm 2014, tôi và một số bà con phát hiện bọn trộm vào tầm 1-2h đêm. Ban đầu cứ nghĩ đó là âm thanh phát ra từ công trường gần đó. Nhưng khi nhìn qua cửa sổ thì mới biết có một nhóm khoảng 3-4 người đang dùng cưa máy cắt trộm cành sưa. Tôi vội chạy sang thì thấy cổng nhà mình đã bị khóa trái. Sau đó tôi gọi điện báo lên cán bộ chính quyền tới tham gia bắt trộm”.

Cũng theo bà Lan, khi mọi người ra tới nơi thì nhóm trộm này đã leo lên xe ôtô tải và buộc dây xích kéo theo một cành gỗ sưa dài khoảng hơn 1 mét, đường kính chừng 20-30 cm chạy hướng lên đê rồi tẩu thoát. Khi lực lượng hỗ trợ đuổi theo thì bọn trộm điên cuồng rải đinh ba cạnh khắp đường.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở, xác nhận có xảy ra tình trạng mất gỗ sưa tại đình làng Quán Giá từ nhiều năm nay. Thực trạng này diễn ra từ năm 2007 và lần gần đây nhất là vào tháng 12/2014. Phía xã đã có hỗ trợ một phần kinh phí duy trì hoạt động bảo vệ, đồng thời cũng chuẩn bị cả trống báo động để nếu bà con phát hiện có trộm sẽ đánh lên báo cho cả làng biết. 

Ông Hoàng cho biết, do vẫn xảy ra trộm gỗ sưa nên tới tháng 10/2013, Ban Công an xã đã cắt cử xuống đây 6 nhân viên an ninh để luân phiên túc trực 24/24. Khi phát hiện sẽ gọi điện lực lượng tới hỗ trợ và báo động cho bà con. Trước đó, người dân trong xóm trông nom bị đám “sưa tặc” dùng súng dọa bắn nên đã không kịp báo cho chính quyền đến ngăn chặn.

quai-chieu-cua-nhung-ke-trom-go-sua-tien-ty-2

Thân cây sưa ngay cạnh chốt an ninh đã bị trộm lấy đi mất một cành lớn và hiện để lại một vết sẹo lớn.

Khách lạ vào làng Quán Giá hầu hết đều bị “soi” rất kỹ. Theo lời người dân, sở dĩ có chuyện bất đắc dĩ ấy là để ngăn chặn kẻ lạ mặt về đây “thăm dò” những cây sưa cổ thụ còn sót lại. Từng có việc nhóm “sưa tặc” cải trang thành những người dân nghèo, dân đi buôn đồng nát, hoặc người đi mua tóc dài để tiếp cận khu vực trồng sưa. Thế nên, dân làng Quán Giá luôn cảnh giác cao độ để đề phòng “sưa tặc”. 

Theo Giadinh.net.vn

NgoiSao.net

sưa tặc, trộm gỗ sưa, tiền tỷ, quái chiêu - Quái chiêu của những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ


      © 2021 FAP
        1,361,384       194