Thời cuộc

Tứ vị đại gia lừng danh Sài Gòn xưa

'Nhất Sĩ nhì Phương tam Xường tứ Định', câu nói cửa miệng của nhiều người khi nhắc đến các đại phú hộ đình đám cách đây trăm năm.

Xuất thân từ gia cảnh khác nhau và phát triển sự nghiệp bằng những ngành nghề không giống nhau, thế nhưng cả bốn người đàn ông đều trở thành tấm gương thành đạt nhất Sài Gòn thời đó. Tài sản của các ông được xem là nhiều vô kể.

Huyện Sĩ - người giàu hơn cả vua

Huyện Sĩ sinh năm 1841 trong một gia đình theo đạo Công giáo tại Sài Gòn, tên thật là Lê Nhứt Sĩ. Từ nhỏ, ông đã được các tu sĩ người Pháp đưa đi du học ở Malaysia. Do trùng tên Sĩ với một người thầy nên ông đổi tên thành Lê Phát Đạt. Khi về nước, chàng thanh niên được Chính phủ Pháp bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, ông được mọi người gọi là Huyện Sĩ.

tu-vi-dai-gia-lung-danh-sai-gon-xua

Thánh đường Huyện Sĩ.

Sự giàu có của Huyện Sĩ bắt đầu từ một nguồn cơn mà chính ông cũng không ngờ đến. Đó là khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, dân cư tản mát, nhiều ruộng đất trở nên vô chủ, bán rẻ mạt mà không ai mua. Bị chính quyền thuộc địa ra lệnh, Huyện Sĩ phải mua lại mớ ruộng đất này, vị chức sắc phải vay mượn và dồn hết tài sản làm theo, nào ngờ ruộng của ông trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, khiến ông bỗng chốc phát tài.

Có tài sản kếch xù nhưng không tiêu xài phung phí, lại là người mộ đạo, ông dùng tiền thu được từ mùa màng để xây hai nhà thờ lớn tại Sài Gòn thời bấy giờ là nhà thờ Huyện Sĩ và nhà thờ Chí Hòa. Tại Gò Vấp, người con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây.

Hưởng tài sản từ cha, con cái của Huyện Sĩ đều là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh. Cháu ngoại của Huyện Sĩ là Nguyễn Hữu Thị Lan sau này trở thành hôn thê của vua Bảo Đại, được biết đến với danh xưng Nam Phương hoàng hậu. Gia tài của gia tộc Huyện Sĩ được đồn thổi là lớn hơn rất nhiều lần so với vua Bảo Đại.

Ông qua đời năm 1900, trước khi nhà thờ Huyện Sĩ hoàn tất. Sau khi vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, con cháu đã đưa thi hài hai ông bà về chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ Huyện Sĩ (Giáo xứ Chợ Đũi). Đến nay tượng của ông vẫn còn trong nhà thờ tọa lạc tại góc đường Tôn Thất Tùng và Nguyễn Trãi quận 1.

Tổng đốc Phương - người có nhiều ruộng đất nhất Sài Gòn

Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841, là con của một bá hộ giàu có của đất Nam Kỳ cuối thế kỷ 19. Năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, ông và gia đình về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân cho đến năm 1861, ông được nhận làm cộng sự của người Pháp. Người thanh niên mới tròn 20 tuổi được cho làm hộ trưởng quản lý đất đai (thời bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định).

tu-vi-dai-gia-lung-danh-sai-gon-xua-1

Tổng đốc Phương.

Cuộc đời của Đỗ Hữu Phương có nhiều khúc quanh nhưng chủ yếu phục vụ chính quyền Pháp. Có giai đoạn ông làm do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Dù có lúc khôn khéo chủ trương tránh gây đổ máu và chuốc thù oán, thậm chí từng thuyết phục chính phủ Pháp ân xá cho một số nhân vật tham gia khởi nghĩa, tuy nhiên ông cũng là người thẳng tay với Thủ khoa Huân (Đỗ Hữu Huân) - một trong những bạn hồi thơ ấu tham gia chống Pháp.

Năm 1872, Đặng Hữu Phương trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, sau đó làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn. Có đủ quyền hành lại được thân tín Pháp, ông thường xuyên làm trung gian đưa hối lộ giúp thương gia người Hoa cho viên chức Pháp, việc làm này giúp ông giàu có nhanh chóng. Tương truyền ông thâu tóm đến hơn 2.223 mẫu đất ruộng và là người có nhiều ruộng đất nhất Sài Gòn bấy giờ. Nhờ thân Pháp, ông còn được nhập tịch Pháp, các con ông cũng đều được sang Pháp du học.

Ðỗ Hữu Phương mất năm 1914 và đám tang của ông thuộc loại hoành tráng nhất thời đó bởi được tở chứng linh đình, thi hài của ông được quàn nửa tháng để khách khứa đến thăm viếng, suốt đám tang, tiệc tùng tổ chức linh đình.

Bá hộ Xường - Giàu nhờ kinh doanh thực phẩm

Sinh năm 1842, bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, tên tự là Phước Trai. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ít được tìm thấy trong các tài liệu xưa mà chủ yếu chỉ còn trong giai thoại qua lời kể của những hậu bối. Theo các lời kể, Xường gốc người Hoa thời nhà Minh chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở Sài Gòn.

Thông minh lại giỏi ngoại ngữ, ngoài tiếng Hoa mẹ đẻ, ông Xường còn thông thạo tiếng Pháp nên được nhận làm thông ngôn cho Pháp và được chính quyền thực dân tin tưởng, trọng dụng. Cảm thấy khó kiếm được tài lộc từ chức thông ngôn, năm 30 tuổi, ông bỏ nghề để tham gia kinh doanh và thực phẩm là nhóm ngành ông lựa chọn.

Ngó thấy thời buổi bấy giờ đang khan hiếm hàng hóa, giỏi lấy lòng quan Tây để được che chở, nâng đỡ, ông nhanh chóng trở thành ông trùm trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm. Từ lợi nhận có được, bá hộ Xường mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, gia sản lại càng được mở rộng. Theo những người cao niên ở quận 5, dinh thự nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Qua đời năm 1896, gia sản của bá hộ Xường sau đó bị hậu bối ăn xài chi tiêu phung phí. Đến nay ngoài khu mộ của ông ở Tân Bình, còn lại hầu như không có phát hiện này về sự kế nghiệp hay thành đạt của con cháu ông.

Bá hộ Định - ông trùm vải sợi

Sinh thời cuối thế kỷ 19, bá hộ Định là người xếp hạng tư trong tứ đại phú hộ Sài Gòn. Tên thật là Trần Hữu Định, ông xuất thân là chủ tiệm cầm đồ được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi.

Dựa vào vị thế xã hội, thêm nữa vốn nhạy bén chớp thời cơ, Trần Hữu Định giàu lên nhanh chóng như diều gặp gió nhờ mua bán thâu tóm bất động sản và xuất nhập khẩu vải vóc. Tương truyền ông chính là ông trùm ngành vải thời bây giờ. Sự giàu có thể hiện rõ ở nhiều biệt thự của ông tại Chợ Lớn, thậm chí ở cả khu Đa Kao.

Giàu có chỉ ở đời của mình, bá hộ Định không có hậu bối kế nghiệp, tài sản của ông mai một dần sau khi ông qua đời. Cuốn "Sài Gòn năm xưa" của tác giả Vương Hồng Sển mô tả ngôi nhà năm căn trệt của bá hộ Định được chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt nhưng nhà cửa dần bị đời sau cắt bán. Ngay cả nhà làm phần hương hoả mà con cháu đã bán và dỡ đi. 

Mr. True

NgoiSao.net

tứ đại phú hộ, nhất sỹ nhì phương tam xường tứ định, Sài Gòn xưa, đại gia - Tứ vị đại gia lừng danh Sài Gòn xưa


      © 2021 FAP
        1,340,433       794