Thời cuộc

'Cô bé mai rùa' khỏe mạnh sau phẫu thuật

Mảnh ghép da nơi khối bướu vừa được cắt không có dấu hiệu thải ghép, bé đã có thể ăn uống bình thường.

Sáng 1/9, tức 3 ngày sau khi phẫu thuật, bé Trần Thị Ngọc Thắm đã bớt đau. Bệnh nhi hiện vẫn nằm tại khu chăm sóc đặc biệt nhưng hoàn toàn tỉnh táo.

co-be-mai-rua-khoe-manh-sau-phau-thuat

Bé Thắm cùng mẹ tại phòng săn sóc sau mổ. Ảnh: Hương Cao

Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người trực tiếp điều trị cho biết, vị trí bướu bị cắt bỏ và mảnh da đùi được ghép hồng hào. "Điều này cho thấy những lo lắng về nguy cơ thải ghép đã không xảy ra", ông Hiếu nói.

Tại giường hậu phẫu, ngoài sự chăm sóc của các điều dưỡng, mỗi ngày Thắm còn được tiếp xúc với mẹ 3 lần. "Con gái tôi trông rất khỏe, đã có thể ăn cơm. Còn nằm phòng hồi sức nhưng con gái tôi vẫn muốn được vẽ tranh đọc sách. Nó mong ước được mau lành bệnh để có thể đi học trở lại", chị Thạch Thị Đa Ni, mẹ của bé cho biết.

Theo bác sĩ Hiếu, trong một tuần nữa bệnh nhi sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện. Khi khỏe hẳn, bé sẽ tiếp tục được phẫu thuật các bướu nhỏ nằm rải rác trên cơ thể. Đây là những khối bướu vệ tinh của khối bướu lớn như chiếc mai rùa đã được cắt bỏ.

Là con thứ trong một gia đình nghèo ở Sóc Trăng, vừa chào đời, trên lưng Trần Thị Ngọc Thắm đã mang một khối bướu to bằng bàn tay. Không có tiền điều trị, trong suốt 10 năm, cô bé phải sống cùng với khối bướu ngày càng to dần như chiếc mai rùa. 

Đây là trường hợp bướu hắc tố bẩm sinh có hình thù kỳ dị lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam và là trường hợp thứ 2 trên thế giới. Trước đó một cậu bé ở Columbia cũng mang chiếc mai tương tự. Cậu bé rùa sau khi được phẫu thuật ở Anh đã có cuộc sống hoàn toàn bình thường.

Thiên Chương

NgoiSao.net

cô bé mai rùa, khối u như mai rùa, Nhi Đồng 1 - 'Cô bé mai rùa' khỏe mạnh sau phẫu thuật


      © 2021 FAP
        1,214,280       585