Suốt 6 tháng liền, trừ vài tuần nghỉ ngơi, các cô gái trẻ sẽ phải tập luyện liên tục 9 tiếng một ngày.
Bên trong một khu nhà ở thuộc quận đông đúc nhất thành phố Quezon, giữa thủ đô Manila, hàng chục cô gái trẻ cao ráo, yểu điệu đang tập trung bên dưới một sân bóng rổ cũ lợp mái tôn nay được chuyển thành phòng tập nhảy. Phía cuối phòng là những chiếc gương được dựng sẵn vào tường. Phía đối diện là phòng thay đồ và ở giữa là những chiếc bàn, ghế bằng nhựa, nơi hai cô gái đang bận rộn trang điểm và chỉnh sửa kiểu tóc.
Thời tiết khá nóng, đặc biệt là vào giữa trưa. Bốn chiếc quạt công nghiệp được bật hết công suất, phần lớn các cô gái đều đứng trên sàn nhà, chân xỏ những đôi giày cao gót gần 18 cm, mặc áo bikini và quần soóc ngắn. Họ đang tập "dáng đi kiểu vịt" (duck walk), vừa đi vừa đánh hông rất mạnh, từ trái sang phải, rồi phải sang trái. Trước khi kết thúc một ngày tập luyện, thường là vào lúc nửa đêm, họ sẽ phải đi được 25 lần như vậy quanh căn phòng hình chữ nhật, với chiều dài 25m, chiều rộng 15m.
Hai cô gái trẻ đi giày cao gót tập luyện trong lò luyện hoa hậu ở Manila. Ảnh: Straits Times |
Theo Straits Times, tất cả các cô gái này đều dành cả buổi sáng để luyện tập trong phòng gym. Khi không "đi kiểu vịt", họ sẽ đứng trước gương, hai tay vẽ ra những vòng tròn thật to, chân duỗi thẳng. Một lần nữa, họ lại khuỵu gối xuống rồi đánh hông, từ trái sang phải và ngược lại.
Sau đó, những cô gái này sẽ được học cách đứng và mỉm cười, làm sao để trở nên quyến rũ và ngọt ngào hay cách xử lý sự cố vấp ngã khi đứng trên sân khấu. Ngoài ra, họ cũng được hướng dẫn cách trả lời nhanh trí, nhạy bén trước các câu ứng xử.
Suốt 6 tháng liền, trừ vài tuần nghỉ ngơi, các cô gái trẻ sẽ phải tập luyện như thế 9 tiếng một ngày, bao gồm cả thời gian ở phòng gym. Kết thúc khóa huấn luyện, họ sẽ tham gia vào một cuộc thi nhan sắc kéo dài 3 tiếng, sự kiện mà tất cả các cô gái mong đợi mình sẽ được tỏa sáng.
Người điều hành lò đào tạo đặc biệt này là ông Rodgil Flores, 49 tuổi, một trong số những "nhà sản xuất hoa hậu" hàng đầu ở Philippines.
Năm trong số những cô gái tham gia lò luyện của ông từng giành được các danh hiệu tầm cỡ quốc tế, bao gồm Hoa hậu quốc tế lara Quigaman (2005) và Bea Rose Santiago (2013), Hoa hậu Trái đất Karla Henry (2008), Jamie Herrell (2014) và Angelia Ong (2015).
Ông Flores và đội của ông, Kagandahang Flores (The Flores Beauty) làm việc tự nguyện và không được trả công. Họ không được nhận dù chỉ một khoản nhỏ cắt từ các khoản tiền thưởng, tiền quảng cáo, xuất hiện trong các sự kiện trước công chúng, đóng phim hay lên truyền hình.
"Chúng tôi làm việc chăm chỉ để đào tạo họ. Nếu họ thắng, đó là phần thưởng dành cho chúng tôi", ông Flores nói.
Ông Flores hướng dẫn cho một cô gái trẻ trong trung tâm. Ảnh: Straits Times |
Những cô gái tìm đến lò luyện của ông Flores nói rằng bản thân họ cũng không nỗ lực vì tiền, mà vì họ mong muốn được đội chiếc vương miện danh giá lên đầu, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Mỗi năm, có khoảng 100 cô gái sải bước trên sàn tập trong lò đào tạo hoa hậu của ông Flores, nhưng chỉ có 30 người trong số họ trở thành những đối thủ thực sự trong các cuộc thi sắc đẹp và có thể chỉ một người được trở thành hoa hậu trên đấu trường trong nước hay quốc tế.
Nhiều người trong số những cô gái này bắt đầu tập luyện từ năm 18 tuổi, và đến năm 26 tuổi thì họ mới chuyển sự quan tâm sang những thứ khác. Phần lớn các cô gái xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo khó, và vẻ đẹp trời cho của họ chính là tấm vé của cả gia đình để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Janicel Lubina từng làm giúp việc khi được một nhà tìm kiếm tài năng phát hiện. Khi đó cô mới 16 tuổi. Lubina sau đó tham gia một số cuộc thi sắc đẹp ở tỉnh Palawan, cách thủ đô Manila 750 km về phía nam. Năm 18 tuổi, cô được gửi tới lò đào tạo của ông Flores.
"Tôi nhớ cô ấy khá rõ vì lúc đến đây, cô ấy thậm chí còn không có nổi một chiếc túi. Toàn bộ quần áo đều được nhét vào những chiếc túi nilon", Flores nhớ lại.
Một năm sau, Lubina giành chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Quốc tế Philippines, giúp cô giành một suất trong cuộc thi Hoa hậu thế giới. Tại đây, cô lọt vào vòng chung kết. Hiện tại ở tuổi 20, Lubina lựa chọn đi theo con đường người mẫu và dẫn chương trình, nhưng cô cũng đã quay lại trường học vì muốn có một tương lai đảm bảo hơn.
Các cô gái đứng trước gương tập luyện. Ảnh: Straits Times |
Trong khi ông Flores không tính phí đào tạo, các cô gái sẽ phải tự lo các sinh hoạt phí của bản thân, chẳng hạn chuyện ăn ở, đi lại và trang điểm. Họ được làm hội viên miễn phí ở Gold's Gym. Rất ít người trong số họ may mắn nhận được sự hỗ trợ về kinh tế từ phía cha mẹ.
Kiara Giel Gregorio, 19 tuổi đã bay từ London, Anh, đến Manila, gạt chuyện học hành sang một bên để theo đuổi giấc mơ hoa hậu. Bố mẹ cô đều là y tá, đã sống ở Anh hơn chục năm. Họ sẵn sàng trả toàn bộ các chi phí của con gái. Mẹ Gregorio còn từng xin nghỉ việc để đến Philippines trông nom, chăm sóc cho cô. Tuy nhiên, hầu hết những thí sinh khác thì phải tự thân.
Đối với gia đình của các cô gái, ngôi vị hoa hậu là một niềm hãnh diện. Còn đối với những nhà tìm kiếm tài năng, nhà tài trợ, thì đây là một sự đầu tư. Họ có thể nhận lại số tiền rất ít từ những gì mình đã bỏ ra, nhưng nếu ứng viên của họ giành chiến thắng, phần thưởng sẽ rất lớn. Họ sẽ có được danh tiếng và đạt được sự nghiệp thành công từ điều này.
Về phía các cô gái trẻ, phần thưởng ngay lập tức chính là tên tuổi họ sẽ được ghi nhớ mãi mãi. Một khu đô thị khép kín ở Manila đã đặt tên nhiều con đường theo tên các người đẹp Philippines.
"Một khi trở thành hoa hậu, bạn sẽ luôn luôn được nhớ đến, kể cả khi bạn đã già. Bạn sẽ được gắn với danh hiệu cao quý ấy suốt cuộc đời", Flores nói.
Xem video tập luyện bên trong lò đào tạo hoa hậu ở Manila, Philippines
Nhờ sở hữu vương miện mà những người chiến thắng trước đây đạt được sự nghiệp thành công trong ngành giải trí. Một số khác thì có cuộc sống hôn nhân viên mãn.
Gloria Diaz, người đầu tiên của Philippines đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ năm 1969, từng góp mặt trong 40 bộ phim kẻ từ khi theo đuổi nghiệp diễn vào năm 1974. Hiện tại bà 64 tuổi.
Một Hoa hậu Hoàn vũ khác là Margie Moran, người đăng quang năm 1973 và hiện 62 tuổi, cũng kết hôn với con cháu của một trong những gia đình giàu có nhất Philippines. Bà từng tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở trường đại học Boston và đại học London, hiện điều hành một khu resort nổi tiếng ở thành phố Davao.
Tuy nhiên, hoa hậu được biết đến nhiều nhất ở Phillipines có lẽ là Imelda Marcos. Marcos giành ngôi vị Á hậu trong cuộc thi Miss Manila năm 1953 nhưng lại lọt vào mắt xanh của nhà chính trị đang nổi lúc bấy giờ, ông Ferdinand Marcos. Sau 11 ngày tán tỉnh, họ kết hôn. Phu nhân Imelda Marcos trở thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất Philippines và là gương mặt dễ nhận biết nhất thế giới.
Hiện tại, dù đã 86 tuổi bà vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chính trị nước nhà. Con trai bà, Ferdinand Marcos Jr, hiện chạy đua để trở thành phó tổng thống tiếp theo của Phlippines.
"Người Philippines thường tìm kiếm một ai đó để thần tượng, đó thường là các nhân vật anh hùng. Hoa hậu cũng là một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người", ông Flores nói.
Hướng Dương
lò đào tạo, hoa hậu, người đẹp, đăng quang, cuộc thi nhan sắc, Philippines - Bên trong lò đào tạo hoa hậu khắc nghiệt ở Philippines