15 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), trong số đó 7 người phải cắt bỏ chân tay.
Lượng ca bệnh ồ ạt và nhiều người bị bỏng nặng phải cắt bỏ chân tay khiến các bác sĩ của bệnh viện phải lên tiếng cảnh báo. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình cho biết chỉ trong tháng qua đã có gần 20 ca nhập viện điều trị do điện giật, hiện vẫn còn 15 ca nặng, nửa số ca nặng phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Một công nhân bị điện giật phải cắt bỏ hai tay. Ảnh: Thiên Chương |
Thương tâm nhất trong số các bệnh nhân là anh Đinh, một thợ xây nhà ở Hậu Giang. Anh này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng cháy đen với chẩn đoán bỏng điện độ nặng ở thân và tứ chi. Trước đó khi đang xây nhà cho chủ, anh cầm thanh sắt nhưng vô ý để chạm đường điện trung thế.
Phải mất gần 2 tuần túc trực cấp cứu, hồi sức, chống nhiễm trùng lây lan, các bác sĩ mới cứu được sinh mạng của anh Đinh, tuy nhiên hai tay và chân trái của bệnh nhân hoại tử hoàn toàn. Lo ngại việc hoại tử lây lan gây nhiễm trùng nhiễm độc, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ cả hai tay và chân trái của anh.
Người thợ xây 42 tuổi kể lúc đó thấy đường dây điện còn cách xa nên chủ quan. "Tôi ngờ khoảng cách gần một mét mà dòng điện vẫn có thể phóng qua, người bệnh nói.
Một trường hợp khác, nam công nhân sửa điện bị cắt bỏ hai cũng tay do bỏng nặng. Anh này cho biết do nghĩ dòng điện đã cắt nên vô tư tiếp xúc với mạch điện. "Lúc đó tôi cứ nghĩ đã cắt cầu dao điện nhưng nào ngờ vừa chạm phải thì đã bị giật văng xa mấy mét", anh này nói.
Anh Nguyễn, 37 tuổi sống ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau là một trường hợp khác. Bệnh nhân này vừa trải qua ca phẫu thuật để cắt cụt một tay và một chân do vết bỏng điện gây hoại tử. "Nhà ở vùng sâu vùng xa, muốn xem tivi phải dùng ăng ten ngoài trời. Hôm đó thấy cây ăng ten thu sóng truyền hình bị hỏng, tôi dùng một cây ăng ten khác để thay nhưng khi vừa dựng ăng ten lên thì bị điện từ đường dây ở gần đó phóng trúng", nạn nhân kể.
Một trường hợp mất cả chân tay do điện giật. Ảnh: Thiên Chương |
"Hầu hết người bệnh đều thuộc diện gia đình nghèo và không ít người còn rất trẻ. Ví dụ như anh thợ hàn đứng mái hiên cầm thanh sắt bị điện giật bị cắt hai tay khi mới ngoài 20 tuổi. Hay hai anh em quê ở Phan Thiết chưa đến 20 tuổi cũng vừa trải qua đợt phẫu thuật đoạn chi. Điều này khiến chúng tôi hết sức đau lòng", bác sĩ Hiệp nói.
Thống kê cho thấy, leo lên mái tôn sửa mái nhà, dựng ăngten, treo biển quảng cáo dưới trời mưa giông hoặc sau cơn mưa... là những nguyên nhân thường dẫn đến tai nạn. "Bỏng điện thường gây tổn thương sâu nên di chứng là điều khó tránh khỏi. Phần lớn bệnh nhân phải tháo bỏ chân tay, trong trường hợp giữ được chi thì phỏng điện khiến chức năng cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều", ông Hiệp nói.
Cũng theo vị trưởng khoa, hiểu biết kiến thức an toàn điện, không nên chủ quan là hai điều cần biết, tuy nhiên mọi người cũng nên biết cách sơ cứu điện giật bởi nếu sơ cứu tốt, khả năng di chứng sẽ giảm.
"Sơ cứu là cách quan trọng có thể cứu được chi. Với người nhà là ngắt điện, đưa đến nơi thoáng, làm sạch vết bỏng, nới quần áo, đưa đến bệnh viện gần nhất. Còn với tuyến y tế cơ sở, giải áp tức bằng cách mổ một đường dài ở chỗ bị điện giật là cách hiệu quả nhất chống chèn ép dẫn đến hoại tử cơ", ông Hiệp khuyến cáo.
Thiên Chương
điện giật, bỏng điện, mất tay chân, cắt cụt tay chân - Bất cẩn, hàng loạt người bị mất tay chân do điện giật