'Những sinh linh tội nghiệp này thường bị cha mẹ chúng vứt bỏ bên lề đường vào buổi tối vắng người', chị Hương kể.
“Gia đình tôi chuyển đến ở gần nghĩa trang nằm trên đường Ngự Bình (TP Huế) đã hơn 10 năm nay. Khoảng thời gian sống ở đây, tôi từng thấy rất nhiều thai nhi bị nạo phá vứt bên lề đường. Không trông thấy thì thôi, chứ thấy rồi mà lại dửng dưng ngoảnh mặt đi thì tội lắm. Nghĩ thế nên nhiều năm qua, mỗi khi nhìn thấy sinh linh nào bị vứt bỏ, tôi đều mang đi chôn cất tử tế”, đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1973, ngụ phường An Cựu, TP Huế) về công việc chẳng ai muốn làm ấy.
Chị Hương thấy xót thương cho những đứa trẻ chưa lọt lòng đã phải chịu nỗi bất hạnh nên suốt 10 năm qua đã nhặt và chôn cất hơn 100 thai nhi bị cha mẹ chúng nạo phá, vứt bỏ ở lề đường. Cũng là một người mẹ nên chị hiểu lắm những nỗi đau không đáng có ấy. Chỉ có điều, chị không làm gì hơn được.
Chị Hương bên những phần mộ hài nhi bị bỏ rơi. |
Chị Hương tâm sự: “Vào một buổi sáng trời mưa dầm dề của 10 năm trước, trong lúc đi chợ về, tôi nhìn thấy bên lề đường cách nhà mình không xa có một chiếc hộp được bọc bao nilon sơ sài. Tò mò, tôi mở ra xem thì bàng hoàng khi nhìn thấy trong chiếc hộp vuông vắn kia là một thai nhi chưa hình thành nhân dạng. Sau phút đắn đo suy nghĩ, tôi nhanh chân mang chiếc giỏ đựng hàng hóa về nhà rồi lấy chiếc cuốc dựng sau hè, đi ngay đến nơi có sinh linh bé bỏng bị vứt bỏ, mang đi chôn cất cẩn thận”. Đó cũng là sinh linh đầu tiên trong hơn 100 thai nhi bị bỏ rơi được chị chôn cất, xây mộ đàng hoàng trong hơn 10 năm qua.
Từ lần đầu tiên nhìn thấy một hài nhi bị vứt bỏ trong mùa đông năm ấy, chị không ngờ rằng, mình lại thường xuyên bắt gặp những hình ảnh thương tâm đó như cái duyên nghiệp của cuộc đời. Đối với chị giờ đây, việc nhìn thấy những hài nhi bị ruồng bỏ là chuyện thường ngày ở cung đường vắng này. Điều đó luôn làm chị nhói lòng thương cảm. Chị cho biết thêm, trên cung đường Ngự Bình đoạn qua nghĩa trang (gần tượng đài vua Quang Trung) rất vắng vẻ. Những đôi trai gái ăn nằm với nhau trót lỡ có thai, sợ mọi người dị nghị nên rủ nhau đi phá thai và mang về bỏ ở đây.
Chị Hương kể: “Những sinh linh tội nghiệp này thường bị cha mẹ chúng vứt bỏ bên lề đường vào buổi tối vắng người. Có những thai nhi khi mình đi đường phát hiện thấy thì đã bị các con vật ăn đêm xâu xé. Thường thai nhi bị bỏ rơi được đặt trong hộp giấy hoặc bao nilon màu đen thắt kín. Người cha người mẹ nào “tử tế” thì dừng xe đặt bên cột mốc chỉ đường hay chôn cất qua loa trong nghĩa trang. Cha mẹ nào không có lương tâm thì vừa chạy xe, vừa thẳng tay vứt giọt máu của họ xuống vệ đường rồi ngoảnh mặt rồ ga phóng chạy không chút thương tình. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh oái ăm, tàn nhẫn của các bậc cha mẹ trẻ như thế đó”.
Chị Hương kể mà hai dòng nước mắt cứ lăn dài trên má, giọng chị lạc đi. Đã rất nhiều lần như thế nên mỗi khi thấy xe máy nào chở hai người, mặt bịt kín khẩu trang, trên tay cầm một vật gì đó khả nghi mà cứ chạy từ từ trước ngõ nhà mình là chị Hương lại vội vàng chạy ra nhìn theo xem họ có vứt bỏ cái gì hay không. Hay cả những lúc đi đường, thấy bên lề đường có một bao bóng vuông vắn, tròn căng chị đều dừng chân lại để xem có phải hài nhi bị vứt bỏ hay không để mang đi chôn cất. Chị xem việc ấy là nhiệm vụ lương tâm của mình, không làm thì thấy rất cắn rứt.
Điều đáng nói là mỗi khi nhìn thấy một sinh linh bị vứt bỏ như vậy, chị lại bỏ tiền túi ra mua một chiếc quách nhỏ, một gói trà và giấy trắng bọc hài nhi lại cẩn thận rồi mới mang đi chôn cất. Khi có tiền, chị lại thuê thợ xây chiếc bo nhỏ nhắn quanh mồ. Rồi vào dịp tết hàng năm, chị lại lo hương khói, rũ cho sạch cỏ để nấm mồ của những sinh linh bất hạnh bớt lạnh lẽo, hiu quạnh.
Xung quanh ngôi nhà chị Hương đang ở có rất nhiều lăng mộ. Sống lâu trên mảnh đất này nên giờ đây, chị Hương không còn cảm giác sợ sệt như lúc mới chuyển đến nữa. Những sinh linh mà chị nhặt được thường được mang đi chôn chất ở những khoảnh đất trống tại nghĩa trang bên cạnh nhà để tiện việc hương khói. Hiện tại, có ba điểm tập kết mộ của những thai nhi bất hạnh với trên 100 ngôi mộ nhỏ nhắn nằm san sát nhau do chị Hương bỏ tiền túi ra xây cất. Hỏi tại sao chị lại làm như vậy thì chị bảo: “Việc này là do lương tâm thúc giục. Nếu người khác ở vào trường hợp của tôi khi thấy những đứa trẻ bị bỏ rơi thì họ cũng sẽ làm như vậy thôi. Đời người ngắn lắm, sống làm sao cho tử tế và không để lương tâm cắn rứt là được!”.
Chị kể, ở nhiều nơi người ta cho rằng, việc nhặt các thai nhi bị bỏ rơi mang đi chôn cất rất kiêng kị. Bởi họ quan niệm khi nhặt những bào thai này mang đi chôn cất sẽ bị “phong long tử” ám vào thân, nếu mang cái hơi đó về nhà thì gia đình sẽ lụn bại, luôn gặp xui xẻo. Tuy nhiên, chị Hương thì không quan niệm như thế nên hơn 10 năm nay, chị vẫn nhặt và chôn cất thai nhi. Việc buôn bán, kinh doanh của chị vẫn rất thuận lợi, không có biến cố gì. Chỉ có một điều chị luôn đau đáu trong lòng, ấy là chuyện hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ nơi đây nhưng suốt bao năm qua, không thấy người nào quay lại tìm giọt máu mà ngày trước mình đang tâm vứt bỏ mang về thờ cúng cả. Nếu ai hỏi chị, gợi về nơi bỏ rơi thì chị sẽ chỉ đến nơi mình chôn cất trước đó. Trong cuốn sổ nhỏ của chị có ghi chi tiết, cụ thể ngày tháng nhặt và chôn cất từng hài nhi. Chị hy vọng một ngày nào đó những bậc cha mẹ từng một thời lầm lỗi sẽ quay lại nhưng đến nay vẫn chưa có một người nào tìm đến.
Khi ra thăm những ngôi mộ của những sinh linh bị bỏ rơi, chị Hương cẩn thận nhổ từng cây cỏ dại mọc trên nấm mồ nhỏ, rồi tranh thủ thắp cho mỗi ngôi một cây hương quế thơm. Trong bóng chiều bảng lảng, khói hương tỏa nghi ngút trên những nấm mồ có bo bằng xi măng bao bọc mà buồn thê thiết. “Cứ mỗi khi vắng khách và gom góp được ít tiền, tôi lại thuê thợ hồ xây mộ cho các cháu. Bởi sợ những lúc mưa to nước lớn, những ngôi mộ sẽ bị san thành bình địa mất. Xây bo bình thường thì từ 400.000 đến 500.000 đồng, bo hoa sen thì mất khoảng 700.000 đến 800.000 đồng. Tôi chỉ nghĩ rằng, các cháu đã phải chịu bất hạnh vì không được sinh ra nên cố được chút nào cho vong linh các cháu được yên lòng thì cố. Sức của mình tôi chỉ làm được chừng đó mà thôi. Nhìn những ngôi mộ hài nhi vô danh bị bỏ rơi ngày một nhiều thêm ở nghĩa trang này, tôi chỉ mong rằng những đôi yêu nhau hay các cặp vợ chồng trẻ đừng nên hành động dại dột như thế nữa”, chị Hương ngậm ngùi.
Trời về chiều, nghĩa trang càng lúc càng vắng lặng, cảnh vật buồn thê thảm như khóc thay cho kiếp người, chị Hương ngậm ngùi nói: “Khu nghĩa trang này nghe nói sẽ quy hoạch di dời đi nơi khác. Không biết mộ phần của những sinh linh bị bỏ rơi này có ai thừa nhận để bốc chuyển đi hay không? Số kiếp các cháu sao mà hẩm hiu quá, chỉ sợ mai này không còn chỗ cho các cháu gửi thân như bây giờ nữa. Thương lắm”.
Theo Giadinh.net.vn
xác thai nhi, chôn cất, 100 ngôi mộ - Người phụ nữ xây 100 ngôi mộ cho thai nhi suốt 10 năm