Thời cuộc

Ca can thiệp 'còn nước còn tát' đưa cụ bà 70 từ cõi chết trở về

Đang lo hậu sự, thấy người nhà vẫn còn chớp mắt, mạch đập, gia đình đã quyết định đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay trong đêm.

9h tối điện thoại reo báo tin cụ bà 70 tuổi nhập viện với 1-2% hy vọng sống, từ hình ảnh được gửi qua email, bác sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM chỉ đạo lập ê-kíp trực can thiệp tim bệnh nhân rồi lao vào viện. 30 phút sau vị tiến sĩ có mặt ở viện. Cùng lúc đó kíp can thiệp gồm 4 người và các dụng cụ như bóng đối xung, máy thở... đã được huy động sẵn sàng.

ca-can-thiep-con-nuoc-con-tat-dua-cu-ba-70-tu-coi-chet-tro-ve

Hình ảnh trước và sau khi can thiệp cho thấy dòng máu bệnh nhân đã được lưu thông.

Bệnh nhân 70 tuổi có tiền căn tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cách đây khoảng 10 năm. Sáng 31/7, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở. Bệnh viện ở Dĩ An, Bình Dương đã tiến hành rung tim, sốc điện, đặt ống thở và chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện ở TP HCM. Trưa cùng ngày bà hôn mê, tụt huyết áp, bác sĩ bệnh viện dự đoán khó qua khỏi nên gia đình đưa bà về lo nhà hậu sự. Trong lúc đang chuẩn bị tang lễ, thấy bà cụ vẫn còn chớp mắt, mạch đập nhẹ ở tay, người nhà quyết định quay lại TP HCM đến Bệnh viện Thống Nhất ngay trong đêm. Lúc đó bà vẫn còn hôn mê, phụ thuộc thuốc vận mạch, đang bóp bóng nội khí quản.

"Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị tình trạng nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rung thất, choáng tim, nếu không can thiệp chắc chắn sẽ tử vong. Cơ may sống rất thấp, chỉ 1-2% hy vọng nhưng có thể can thiệp để cố gắng cứu chữa", bác sĩ Tân nhận định cùng đồng nghiệp. Giờ vàng can thiệp những trường hợp như thế này là bệnh nhân vào viện trong vòng 60-120 phút sau khi có triệu chứng. Bệnh nhân này tính ra đã ở giờ thứ 14-15 sau tai biến nên việc điều trị là "còn nước còn tát".

ca-can-thiep-con-nuoc-con-tat-dua-cu-ba-70-tu-coi-chet-tro-ve-1

Cụ bà tươi tỉnh, hồi phục tốt sau 5 ngày can thiệp.

Giải thích cùng người nhà xong, ê kíp bắt tay vào can thiệp cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành cho thấy tình trạng tắc nghiêm trọng cả 3 nhánh, nếu không cẩn trọng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong trên bàn mổ. Các bác sĩ đã thận trọng đặt stent thông mạch vành, sau hơn 10 phút can thiệp, bệnh nhân vượt qua nguy cơ tử vong trong gang tấc. Kết thúc ca can thiệp, bác sĩ Tân trở về tới nhà lúc 2h sáng.

"Tình trạng nhồi máu cơ tim nếu bệnh nhân nhập viện trong giờ vàng thì việc xử lý không quá phức tạp. Với trường hợp nhồi máu cơ tim thành trước như thế này, nhập viện quá trễ là yếu tố vô cùng bất lợi. Bình thường với những bệnh nhân tương tự, câu hỏi thường được các bác sĩ đặt ra lúc này là can thiệp có ích gì hay không", bác sĩ Tân chia sẻ.

Sau 5 ngày can thiệp, bệnh nhân có thể ngồi dậy ăn uống, nói chuyện tươi cười. Là y tá về hưu, bệnh nhân càng hiểu hơn hết những khoảnh khắc quyết định tính sinh tử của ngành y. "Đưa mẹ trở lại bệnh viện TP HCM trong đêm lúc đã chuẩn bị lo hậu sự là quyết định vô cùng đúng đắn. Có thể nói là mẹ đã từ cõi chết trở về vì lúc đó tia hy vọng vô cùng mong manh", con gái bệnh nhân xúc động chia sẻ.

Theo VnExpress

NgoiSao.net

bà cụ 70 tuổi, mổ cấp cứ, can thiệp - Ca can thiệp 'còn nước còn tát' đưa cụ bà 70 từ cõi chết trở về


      © 2021 FAP
        1,339,540       643