Xây dựng từ hơn 80 năm trước, căn nhà giữa trung tâm quận 1 mang theo giai thoại về của vị đại gia giàu nhất nhì Sài Gòn một thời.
Người được nói đến chính là ông Nguyễn Văn Hảo, nhân vật nổi tiếng một thời với biệt danh trùm xe hơi và ông chủ nhà hát ở xứ Nam kỳ.
Căn nhà 4 mặt tiền hiếm hoi của đại gia xe hơi nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Mr True |
Sinh năm 1890 trong một gia đình nông dân ở Trà Vinh, đến tuổi thiếu niên, Nguyễn Văn Hảo được người anh cùng cha khác mẹ đưa về Sài Gòn phụ giúp việc mua bán phụ tùng xe hơi. Giống cha ở tính thông minh nhanh nhạy, Hảo trở thành cánh tay đắc lực của anh trai, khách hàng tìm đến cửa hiệu thời đó thậm chí biết Hảo còn hơn cả người anh vốn là ông chủ của mình.
Giúp anh được một số năm, thấy đường hướng kinh doanh khá màu mỡ, Hảo âm thầm dò la tình hình kinh doanh tại khu đô thị vốn đang sầm uất, thấy gia đình chú Hỏa - một đại gia người Hoa lúc bấy giờ có tiệm bán phụ tùng xe hơi và trạm bơm xăng còn hụt người làm, ông Hảo thuê lại và đứng tên chủ tiệm. Từ đó ông bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.
Thiên thời địa lợi nhân hòa, việc làm ăn của chàng thanh niên Trà Vinh ngày một phát đạt, khách quen của tiệm phần lớn là các tài xế người Việt lái xe cho chủ cả hoặc dân nhà giàu tại khu Bến Thành, Bến Nghé, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Điểm... Thấy chuyện kinh doanh tấn tới mà vẫn còn phải thuê cửa hiệu của người khác, năm 1933, ông Hảo mua miếng đất để cất nhà riêng và dự định làm hãng xưởng chứ không phải thuê mướn nữa.
Lựa đi chọn lại, lần hồi mấy lượt phong thủy, cuối cùng, ông trùm xe hơi cũng tìm được miếng đất rộng hơn 800 m2 có 4 mặt tiền, nằm cách chợ Bến Thành chỉ vài trăm mét. Cũng trong năm này, ông cho động thổ xây một trong những công trình nhà ở có vị trí đắc đạo nhất, tiếp giáp với 4 con phố lớn, nay là đường Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin và Lê Thị Hồng Gấm (quận 1). Đây cũng là căn nhà còn tồn tại đến tận ngày nay - nơi mà các con cháu ông vẫn đang tá túc.
Một mặt tiền của căn nhà, nơi xưa kia là cửa hiệu xe hơi của ông chủ Hảo. Ảnh: Mr. True |
Mặt tiền nhỏ như mũi một con tàu thẳng tiến, càng vào sâu thì căn nhà càng to rộng, dinh thự được ông Hảo cho xây theo lối kiến trúc Pháp với hai tầng, phía dưới thiết kế nhiều ô cửa lớn để mở cửa hiệu, phía trước mở cây xăng, trên lầu gồm nhiều phòng ở, mỗi phòng đều có cửa sổ rộng để đón ánh sáng. Trên sân thượng, vị đại gia cho làm một vườn trồng hoa kiểng trồng cây nuôi chim và có cả hồ nuôi cá.
Kinh doanh toàn thắng, không chỉ buôn bán xe hơi và phụ tùng, ông Hảo đồng thời mua thêm mảnh đất rộng ở gần đó cất nhà phố cho thuê. Sự nghiệp thuận lợi, nhà buôn xe hơi Nguyễn Văn Hảo của cuộc sống nhàn nhã cho đến cuối đời. Ông chết năm 1971, thọ 82 tuổi, trước khi mất ông chính là người đã mua đất xây rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là nhà hát kịch TP HCM) trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - đây là rạp hát lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ.
Ý chí làm giàu và sự nghiệp của ông trùm Nguyễn Văn Hảo rực rỡ ánh hào quang bao nhiêu thì thế hệ con cháu của ông lại "đìu hiu hút gió" đến nỗi khó tin.
Có hai người vợ nhưng ông Hảo chỉ có một người con, sinh năm 1929 tên Nguyễn Tâm Thạnh. Thạnh sinh ra ở Trà Vinh, khoảng 2 -3 tuổi thì được đưa về Sài Gòn chung sống. Không giống tính cha, ông Thạnh nóng nãy không phù hợp với việc kinh doanh phải chiều chuộng khách. Nhà nhiều tiền của, vị công tử dù được cha mẹ thương yêu cho họ trường Tây nhưng lớn lên vẫn thích đua xe và ngao du sơn thủy nhiều hơn tập trung kế nghiệp.
Tầng trên của căn nhà, nơi con cháu ông Hảo vẫn còn sinh sống. Ảnh: Mr. True |
Ông Thạnh có tất cả 3 người vợ, riêng người vợ thứ 3 có đến 9 con, các con cái học hành không đến nơi đến chốn. Ngay sau khi ông Hảo qua đời, việc kinh doanh của nhà buôn nổi tiếng Nguyễn Văn Hảo lụi tàn dần, nhiều đồ đạc trong nhà, thậm chí chiếc thang máy cũng bị con cháu tháo bán lấy tiền trang trải.
Năm 1975, căn nhà 4 mặt tiền của vị đại tư sản được nhà nước quản lý phần tầng trệt, gia đình ông Thạnh ở trên tầng lầu, cuộc sống của cả nhà khốn khó, có lúc ông Thạnh đã phải bỏ TP HCM để đi các tỉnh miền Đông Nam bộ làm rẫy. Hiện con cháu của ông đã lớn, làm đủ nghề và không ai nối gót được sự nghiệp kinh doanh của tiền bối.
Căn nhà 4 mặt tiền hiếm hoi tại vị trí vàng giữa trung tâm Sài Gòn vẫn còn đó, người thân của ông trùm xe hơi chủ nhà vẫn còn đó song chuyện giàu của gia trang họ Nguyễn mãi mãi chỉ còn trong giai thoại.
>> Căn nhà 99 cửa và giai thoại về con ma nhà họ Hứa
>> Ngôi chợ xưa nhất Sài Gòn của người mua bán ve chai
Mr. True
Nguyễn Văn Hảo, đại gia xe hơi Sài Gòn, nhà bốn mặt tiền Sài Gòn - Dinh thự 4 mặt tiền Sài Gòn và giai thoại ông trùm xe hơi