Thời cuộc

Tình yêu 'từ giọng nói đầu tiên' của chàng mù

Đạt tâm sự rằng, đàn ông bình yêu bằng mắt, họ hay bị 'chết' từ cái nhìn ban đầu, còn cậu đã yêu cô giáo mầm non từ giọng nói đầu tiên.

Chàng trai khiếm thị Cao Duy Đạt (sinh năm 1991 ở Tam Nông, Phú Thọ) vừa tổ chức đám cưới với người con gái anh yêu. Anh chia sẻ: "Chúng tôi đã tổ chức đám cưới, vui lắm. Bạn bè về rất đông, có cả những người khách tôi chưa từng gặp cùng về tham dự, chúc mừng".

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, xung quanh Cao Duy Đạt chỉ toàn là bóng tối do hậu quả từ cơn sốt virus từ trong bụng mẹ. Đau đớn trước bệnh tật của con, bố mẹ Đạt đã đưa con đi tới tất cả những bệnh viện uy tín nhất trên cả nước để chữa trị. Thế nhưng sau 6 lần phẫu thuật, phép màu đã không xảy ra, họ đành bất lực chấp nhận số phận. “Sau lần phẫu thuật thứ 5 không thành công, tôi từng đứng trên tầng cao của một bệnh viện và có ý định tự vẫn. Nhưng lúc đó nghĩ đến sự cố gắng hết lòng của bố mẹ, tôi đã không đành lòng. Sau giây phút đó, tôi nghĩ mình phải sống thật mạnh mẽ, ý nghĩa để báo hiếu với bố mẹ”, Đạt nhớ lại.

Dù khiếm thị nhưng Đạt vẫn cố gắng đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. 8 tuổi, cậu bé Đạt đã rời xa gia đình sống tự lập tại một Trung tâm giáo dục dành cho người khuyết tật của tỉnh Phú Thọ. Đạt tâm sự: “Tôi vẫn học tất cả các môn như bao bạn bè khác. Ngộ nhất là môn thể dục, khi phải chạy vài trăm mét thường phải có một bạn dắt tay và chạy cùng. Môn học mà tôi lo nhất đó là hình học. Bởi môn này thì không thể “mã hóa” bằng âm thanh mà phải dùng trí tưởng tượng. Nhiều bạn khi đi thi còn dùng “phao” trợ giúp nhưng với tôi thì chỉ có cách chăm chỉ học tập mà thôi”.

Chàng trai khiếm thị Cao Duy Đạt và cô giáo trẻ Vân Anh hạnh phúc trong ngày lễ vu quy (ảnh nhân vật cung cấp).

Chàng trai khiếm thị Cao Duy Đạt và cô giáo trẻ Vân Anh hạnh phúc trong ngày lễ vu quy (Ảnh nhân vật cung cấp).

Tốt nghiệp THPT, Cao Duy Đạt tiếp tục đăng ký thi vào đại học nhưng khi xét hồ sơ của cậu thì tất cả đều lắc đầu từ chối với lời giải thích, nhà trường chưa có giáo trình dành cho người khiếm thị. Không chịu chấp nhận số phận, Đạt đã đến thẳng Viện Đại học Mở và xin gặp trực tiếp thầy hiệu trưởng.

Trong lần gặp đặc biệt ấy Đạt đã tha thiết bày tỏ nguyện vọng được đến giảng đường với lời cam kết: “Xin hãy cho em thử. Nếu trong quá trình học tập em không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, em sẽ tự nguyện rút lui”. Kết quả, Cao Duy Đạt đã được chấp nhận và trở thành chàng sinh viên của Viện Đại học Mở.

Bên cạnh đó, Đạt còn thi đỗ vào chuyên ngành Tác động cột sống của Bệnh viện Y học cổ truyền. Để không bị thua kém những học viên khác, ngoài những giờ học trên lớp, về nhà Đạt thường tự tay lần mò bấm huyệt cho mình. Một tháng, sau khi lên Hà Nội học đại học, Đạt đã không phải xin chu cấp từ gia đình nữa. Chàng trai khiếm thị này đã xin vào làm thêm cho một cơ sở tẩm quất nên được ăn và ở tại đó luôn. Tiền lương được trả hàng tháng sẽ để phục vụ cho việc học tại hai trường nói trên.

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, Đạt liên tục nhắc đến Vân Anh, người vợ mới cưới được 2 ngày. Đạt bảo: “Có nhà báo đã gọi tôi là chàng trai “kim cương” nhưng tôi nghĩ, những gì mà Vân Anh đã và đang làm thì nó có giá trị gấp trăm, gấp ngàn lần kim cương”.

Theo lời của Đạt thì tình yêu của hai người gặp cản trở lớn từ phía gia đình nhà gái do anh bị khiếm thị. Vân Anh sinh năm 1995, quê ở Nam Định - là chị cả, lại là cháu gái duy nhất trong họ nội nên gia đình càng khó chấp nhận cô lấy chồng xa, lại là một người chồng khiếm thị. Gia đình đã nhiều lần yêu cầu Vân Anh chia tay, thậm chí bắt cô phải bỏ học về quê.

Nói về chuyện tình của mình, Đạt kể, từ sau khi được lên báo hồi tháng 12/2012, anh có dịp tham gia giao lưu với trường của Vân Anh theo học - Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương. Vân Anh chính là người đã luôn dắt tay Đạt trong suốt quá trình đi lại buổi giao lưu đó. “Tôi đã rất ấn tượng rồi hai đứa cứ nhắn tin qua lại với nhau và cảm thấy không thể thiếu nhau từ lúc nào không biết”, Đạt cho hay.

Dù yêu Vân Anh, nhưng Đạt cũng không muốn cô gái ấy sau này phải hối hận nên đã luôn để Vân Anh được tiếp xúc với công việc, cuộc sống riêng của mình để Vân Anh thấy cuộc sống của một người khiếm thị. Từ việc đi học, đi dạy thêm, tham gia các hoạt động xã hội, đến công việc tẩm quất mà Đạt làm, anh đều để Vân Anh được tiếp xúc một cách tự nhiên và chân thật nhất. Vân Anh cũng trở thành đôi mắt của người yêu từ những điều giản dị như thế.

“Tôi là con người rất thực tế. Tôi không muốn tình yêu của mình chỉ là những cảm tính nhất thời vì sợ sau này Vân Anh sẽ hẫng hụt. Một người bình thường khi yêu đã cần sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông thì với một người khiếm thị như tôi còn cần gấp nhiều lần”, Đạt tâm sự.

tinh-yeu-tu-giong-noi-dau-tien-cua-chang-mu-1

Chia sẻ về quyết định đã gặp phải nhiều sóng gió của mình, Vân Anh bày tỏ: “Ban đầu, tôi thấy khâm phục ý chí của anh Đạt. Sau khi tiếp xúc, tôi lại càng thấy thương hơn. Càng đi sâu vào cuộc sống của anh Đạt, tôi càng cảm phục và yêu anh nhiều hơn. Tự tôi muốn có thể giúp nhiều hơn trong cuộc sống”.

Ấn tượng của Vân Anh về Đạt là một chàng trai vui vẻ, hài hước, nhiệt tình, đặc biệt rất tự tin, hòa đồng với tất cả mọi người và sống rất lạc quan. “Thực ra, ai cũng có khiếm khuyết nhưng biết cách khắc phục và quan trọng là cách mình trải qua khó khăn như thế nào. Ban đầu khi nhận lời yêu anh Đạt, tôi có vương vấn chút suy nghĩ sợ rằng mình chưa thực sự chín chắn. Nhưng trải qua những khó khăn bên nhau, đến bây giờ, tôi thấy mình không quyết định sai”, Vân Anh khẳng định.

Chính những lúc bị gia đình ngăn cản, Đạt lại ở bên động viên và khuyên Vân Anh đừng vội trách gia đình vì mọi người yêu thương và lo lắng cho tương lai. Để có được sự đồng ý của gia đình, Duy Đạt và Vân Anh đã “liều” chụp ảnh cưới và khi thấy con mình hạnh phúc bên một nửa yêu thương, gia đình Vân Anh mới đồng ý.

“Tôi rất vui vì bố mẹ, gia đình đã tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Những điều tôi đã và sẽ làm là điều tôi chứng minh với bố mẹ là mình không sai. Tôi sẽ chứng minh bằng chính cuộc sống của mình. Tôi sẽ sống hạnh phúc để báo hiếu bố mẹ một cách ý nghĩa nhất”, Vân Anh nhỏ nhẹ nói.

“Sau khi cưới xong, tôi lên Hà Nội học tiếp còn Vân Anh dạy học tại một trường mầm non ở Phú Thọ. Chúng tôi chấp nhận xa nhau một thời gian nữa để sau này công việc ổn định. Với tôi, có được Vân Anh là có “điểm tựa” vững chãi nhất trong đời. Không ai nói trước được tương lai, mình chỉ dám hy vọng “điểm tựa” ấy sẽ đi trọn với mình đến hết cuộc đời. Như thế là quá đủ cho một người”, Cao Duy Đạt tâm sự.

Theo Giadinh.net.vn

NgoiSao.net

chuyện tình, chàng mù, người khiếm thị, chuyện tình cảm động - Tình yêu 'từ giọng nói đầu tiên' của chàng mù


      © 2021 FAP
        1,339,145       1,419