Thời cuộc

Đệ nhất mỹ nhân Nam Kỳ thành hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam

Nam Phương hoàng hậu có sắc đẹp chim sa cá lặn, 3 lần đăng quang Hoa hậu Đông Dương.

Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (tên thánh Marie Thérèse) sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Bà là con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, người giàu có nhất miền Nam xưa.

Sinh ra tại Tiền Giang nhưng do phải đi học nên Nguyễn Hữu Thị Lan sống cùng cha mẹ chủ yếu tại căn nhà trên đường Nguyễn Du, nay là Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Sài Gòn. Từ nhỏ, bà cùng chị được cha mẹ cưng chiều hết mực, hưởng cuộc sống an nhàn, với đầy đủ vật chất, tinh thần. 

de-nhat-my-nhan-nam-ky-thanh-hoang-hau-cuoi-cung-cua-viet-nam

Nam Phương hoàng hậu những năm đi học tại Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Năm 12 tuổi, bà được gia đình gởi đi Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, trường nữ danh tiếng ở Paris thời bấy giờ. Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hữu Thị Lan đã là cô gái có sắp đẹp “chim sa, cá lặn” ở Nam Kỳ. Bà có nét đẹp của phụ nữ Á Đông, giàu học thức nhưng chịu ảnh hưởng của Tây phương nên nếp sống, cách ăn mặc cũng hiện đại so với phụ nữ Việt thời bấy giờ.

Nhiều tài liệu chép lại rằng, ở bà toát lên vẻ đẹp truyền thống vừa hiện đại nên nhiều lần được vinh danh tại các cuộc thi sắc đẹp. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Thị Lan đã 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương, cuộc thi sắc đẹp số một ở Việt Nam thời đó. Với nhan sắc của mình, bà trở thành nguồn đề tài bất tận cho những nhà nhiếp ảnh từ trong nước đến quốc tế.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ đẹp nhất Nam Kỳ là cuộc gặp vua Bảo Đại trong buổi yến tiệc tại Đà Lạt. Vị hoàng đế của Việt Nam thời ấy đã si mê bà ngay cái nhìn đầu tiên. Vị cựu hoàng về sau có viết trong cuốn “Con rồng Việt Nam” về việc gặp người con gái đẹp nhất Nam kỳ lúc ấy.

“Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người con gái miền Nam, thùy mị và quyến rũ, pha một chút Tây phương làm tôi say mê”, Bảo Đại viết.

Hoàng hậu Nam Phương sau này từng nhắc lại trong hồi ký rằng lúc đó chỉ trang điểm sơ sài, mặc cái áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp. Do được chỉ dạy nên bà không ngần ngại hành lễ với nhà vua và được Bảo Đại mời nhảy bài Tango ngay sau đó.

“Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, ngài mới cho biết hôm đó rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người phụ nữ Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và hành lễ đúng cung cách với ngài”, Nam Phương hoàng hậu viết.

de-nhat-my-nhan-nam-ky-thanh-hoang-hau-cuoi-cung-cua-viet-nam-1

Nam Phương hoàng hậu năm 1934. Ảnh: Tư liệu.

Do bà Nguyễn Hữu Thị Lan theo Công giáo nên cuộc hôn nhân của bà và vua Bảo Đại đã gặp phải nhiều lời phản đối. Trước Hoàng tộc, vua Bảo Đại đã phải “nói cứng” rằng “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho… triều đình”.

Khi vua Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan cũng ra điều kiện bà phải được tấn phong Hoàng Hậu chánh cung ngay trong ngày cưới, được giữ nguyên đạo Công giáo. Các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo, riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.

Hôn lễ được tổ chức ngày 20/3/1934 ở Huế. Khi đó, vua Bảo Đại 21 tuổi, còn bà Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Ngay ngày hôm sau, bà được phong tước vị Nam Phương Hoàng hậu.

Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ. Mười hai đời vua Nguyễn trước, vợ vua chỉ được phong tước vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.

“Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của Miền Nam và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng Đế”, Bảo Đại viết.

Sau đám cưới, hai người sống với nhau tại hàng cung ở Huế, Nam Phương hoàng hậu cũng hỗ trợ vị vua việc triều chính. Đến cách mạng tháng Tám năm 1945, chính bà đã khuyên nhủ Bảo Đại nên thoái vị để đất nước không rơi vào cảnh máu chảy, đầu rơi.

Ngày 17/9/1945, Huế phát động “Tuần lễ vàng”, Nam Phương Hoàng hậu cởi hết đồ trang sức bằng vàng mang trên người đặt lên bàn hiến cho chính phủ mới. Bà cũng được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng khi hiến tài sản cho nhà nước non trẻ lúc bấy giờ.

de-nhat-my-nhan-nam-ky-thanh-hoang-hau-cuoi-cung-cua-viet-nam-2

Vợ chồng ông bà hoàng cuối cùng của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Trong bối cảnh nhà Nguyễn đã suy vong, vua Bảo Đại lúc đó đã chạy theo tiếng gọi của những tình nhân trẻ, Nam Phương hoàng hậu sang Pháp, chọn Chambrignac, một làng quê hẻo lánh ở ngoại ô Paris để sống những năm tháng cuối đời. Ở đó, bà giàu có nhưng sống cô đơn cùng hai người hầu, con cái đi làm cũng ít khi về thăm. Nam Phương hoàng hậu bất ngờ qua đời năm 1963, thọ 49 tuổi. Lúc đưa tang, ngoài 5 người con, cũng không có họ hàng thân thích hay vị cựu hoàng lui tới viếng.

Tại nơi chôn cất chỉ có tấm bia ghi dòng chữ bằng tiếng Pháp có nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của bà Hoàng Hậu Việt Nam tên Jeanne Mereatte Nguyễn Hữu Thị Lan. Mặt sau tấm bia ghi dòng chữ Hán “Đại Nam Phương Hoàng Hậu - Chi mộ”.

Sơn Hòa

NgoiSao.net

Nam phương hoàng hậu, sắc nước hương trời, hoàng hậu cuối cùng, triều Nguyễn, Vua Bảo Đại - Đệ nhất mỹ nhân Nam Kỳ thành hoàng hậu cuối cùng của Việt


      © 2021 FAP
        1,342,691       531