Thời cuộc

Phiên tòa cảm động xử cô gái nghèo gây tai nạn

Nữ bị cáo 17 tuổi khóc như mưa trước vành móng ngựa, thân nhân gia đình bị hại thì nháo nhào chạy theo HĐXX để xin giảm án cho bị cáo.

Trong phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được TAND TP Huế mới mở, khán phòng rộng thênh rộng thang nhưng người dự khán chỉ lèo tèo vài người. Bị cáo Trần Thị Thu Hiền (ngụ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được tại ngoại) đến tòa cùng gia đình.

17 tuổi nhưng Hiền đen nhẻm, nhỏ thó như cô bé tuổi 13. Sinh ra trong gia đình có đến 6 anh chị em, chật vật leo được lên lớp 10 thì Hiền phải bỏ ngang việc học, vì cha mẹ không đủ sức cáng đáng.

Trong lúc bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường thì Hiền cùng mẹ bươn chải khắp các ngôi chợ quê bán dạo quần áo mưu sinh. Trong một lần chạy xe từ nhà vào trung tâm thành phố mua quần áo về bán, Hiền gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

Hội đồng xét xử bắt đầu phiên tòa, nữ bị cáo nặng nề lê từng bước đến bên vành móng ngựa. Dáng người nhỏ thó, Hiền đứng lọt thỏm trong vành móng ngựa, hai mắt đã bắt đầu ngập nước. Bị cáo run run khai lại qua trình gây ra vụ tai nạn.

Vào 9h sáng ngày 20/8/2015, Hiền điều khiển xe máy đi trên đường Nguyễn Trãi hướng từ cửa An Hòa đến cửa Nhà Đồ thì va chạm vào người và xe đạp của bà Phan Thị Thanh (63 tuổi, ngụ phường Thuận Thành, TP Huế) đang dắt qua đường từ phải sang trái theo hướng xe mô tô đang chạy gây tai nạn.

Tai nạn xảy ra còn do nạn nhân qua đường nhưng không quan sát các phương tiện đang tham gia giao thông để đảm bảo an toàn. Cú va đập quá mạnh khiến bà Thanh ngã xuống đường dẫn đến chấn thương sọ não nặng. Mặc dù được mọi người đưa đến bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu và điều trị, nhưng nạn nhân đã tử vong vào chiều cùng ngày.

Bị cáo khai, mình chỉ mới biết chạy xe. Trước khi gây tai nạn, cô chỉ chạy xe đôi ba lần. Hôm đó, bị cáo chạy xe với vận tốc “rùa bò”, tầm 15 km/h, nhưng vì lái xe không tập trung, nên khi cách chướng ngại vật 5 m, bị cáo mới phát hiện. Bởi tay lái quá yếu, không xử lý được, nên thay vì đánh tay lái để tránh, bị cáo lại đâm thẳng vào người qua đường.

“Bị cáo chạy chậm, nhưng vẫn không xử lý được tình huống khi gặp chướng ngại vật trên đường, là vì bị cáo chưa được đào tạo kỹ năng lái xe. Chỉ vì sự nông nổi của bị cáo mà khiến sinh mạng một người khác bị tổn hại”, vị chủ tọa nghiêm giọng.

Hiền mới 17 tuổi, lái xe chưa vững không may gây tai nạn chết người. Ảnh minh họa.

Hiền mới 17 tuổi, lái xe chưa vững không may gây tai nạn chết người. Ảnh minh họa.

Cha bị cáo đến tòa, dáng lam lũ trong bộ áo quần bạc màu. Mười đầu ngón tay ông chưa kịp kỳ cọ sạch, còn dính đen bùn đất của ruộng đồng. Người đàn ông cho biết, sáng hôm đó con trai ông dựng xe trong sân, chìa khóa lại cắm ở xe quên cất. Ông thì bận bịu ngoài ruộng, vợ ông thì loay hoay trong nhà không để ý. Đến khi phát hiện chiếc xe “không cánh mà bay” thì cũng là lúc gia đình ông hoảng hốt nhận được điện thoại thông báo con gái chạy xe gây tai nạn.

Nhà nghèo, để có tiền bồi thường cho gia đình người đã chết, cha mẹ bị cáo phải chạy vạy bạc cả mặt. Vay mượn, gom góp mãi mới được 50 triệu đồng, họ mang sang nhà bị hại lo đám tang, xây lăng đắp mộ cho người đã khuất. “Cũng may gia đình bị hại tốt bụng, nên chấp nhận để gia đình tui chạy qua chạy lại nhang khói trong mấy ngày đám tang, chứ không xua đuổi, mắng mỏ lời nào”, cha bị cáo run run giọng kể.

Cũng một cảnh nghèo như gia đình bị cáo, nhà bị hại chỉ có hai mẹ con côi cút. Hôm bị tai nạn, người phụ nữ đang còng lưng đạp xe đi bán bánh chưng dạo. Em trai người đã khuất trải lòng, chị ông cả một đời cơ cực. Ở cái tuổi về chiều, bà vẫn còn chật vật mưu sinh. Chưa kịp một ngày an hưởng tuổi già thì đã ra đi tức tưởi. Người chết cũng đã chết rồi. Có đau lòng mấy, có giằng xé mấy, thì sinh mạng cũng chẳng thể quay về. Trong khi kẻ gây nên kết cục đau lòng ấy lại còn rất trẻ, cuộc đời phía trước hãy còn rất dài, nên gia đình ông không muốn lại thêm một người nữa phải chịu bất hạnh.

Ngoài số tiền 50 triệu chi phí mai táng gia đình bị cáo đã bồi thường, gia đình ông không yêu cầu gì thêm. “Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Chị tôi giờ cũng đã mồ yên mả đẹp. Tôi chỉ xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo còn rất nhỏ, lại là con gái, mong tòa cho con bé được hưởng án treo”, đại diện phía bị hại đề nghị tòa.

Con trai bị hại, người đại diện theo pháp luật của người bị hại, cũng tha thiết xin: “Mẹ tôi đã mất rồi, giờ chỉ xin tòa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo”.

Theo Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, tai nạn xảy ra còn có một phần lỗi của bị hại vì qua đường không đúng với luật giao thông đường bộ. Bị cáo có nhiều tình tiết tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nên Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất dưới khung hình phạt, đề nghị tòa tuyên bị cáo 12 đến 15 tháng tù giam. Bị cáo òa khóc. Cha mẹ bị cáo òa khóc. Gia đình bị hại thở dài lắc đầu bảo: “Chi mà nặng rứa”.

Do bị cáo chưa thành niên, nên được tòa án cử luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vị luật sư cho rằng, tai nạn xảy ra, cả bị hại lẫn bị cáo đều có lỗi. Ngoài ra gia đình cũng có một phần lỗi vì đã không quản lý con cái khi bị cáo chưa đủ tuổi thành niên. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả…. Hơn nữa, trình độ học vấn của bị cáo thấp nên nhận thức pháp luật còn kém. Bị cáo là con gái, lại chưa đủ tuổi thành niên, 12 đến 15 tháng tù treo là đủ tính răn đe, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Đối đáp với luật sư, công tố viên cho rằng bị cáo đã học lớp 10, nên đủ nhận thức về pháp luật. Hơn nữa trong thời gian qua, người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe, không tuân thủ các quy định về giao thông khiến tình trạng xảy ra tai nạn giao thông tăng cao. Do đó cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh mới có tính răn đe. Vị công tố giữ nguyên đề nghị 12 -15 tháng tù giam.

Lúc Hội đồng xét xử đứng dậy chuẩn bị vào nghị án, đại diện phía gia đình người bị hại còn lật đật chạy theo, cố năn nỉ để bị cáo được hưởng án treo. Ở một góc khán phòng, nữ bị cáo 17 tuổi khóc như mưa trong vòng tay người thân. Mẹ bị cáo lo lắng bảo, gia đình bị hại ai cũng xin cho con bà được hưởng án treo, luật sư cũng đề nghị như vậy, không biết tòa xử ra sao. Rồi bà ôm chặt hai tay trước ngực, như muốn cầu nguyện cho đứa con bé bỏng không phải “đi tù”.

Phía gia đình bị hại, em trai người đã mất lật đật chạy lên phía trước, ý muốn hỏi sao tòa xử nặng quá, sao không cho bị cáo hưởng án treo, bị cáo là con gái, lại còn nhỏ, ở trong tù một năm, ra tù sẽ thành người thế nào?

Vị chủ tọa giải thích, nếu không đồng ý với mức án, đại diện phía gia đình bị hại có thể làm đơn kháng cáo thay đổi mức án.

Theo Pháp Luật Việt Nam

NgoiSao.net

phiên tòa, gây tai nạn, tai nạn giao thông, chết người - Phiên tòa cảm động xử cô gái nghèo gây tai nạn


      © 2021 FAP
        1,361,446       165