Phần còn lại của chân đã bị cắt thi thoảng vẫn giật bắn từng cơn, nhưng nữ sinh lớp 10 cứ cố mím chặt môi chịu đau, không kêu than.
Trưa 17/3, gần một tuần bị cắt bỏ phần chân hoại tử, sức khỏe của Lê Thị Hà Vi ổn định nhưng cô bé vẫn còn đối diện với những cơn đau cứ vài phút lại đến một lần. Do chưa thích nghi với việc bỗng dưng mất đi một phần cơ thể, thi thoảng phần mỏm cụt đang được băng bằng bó lại giật lên từng cơn khiến Hà Vi nhăn mặt và nắm chặt tay mẹ.
Hà Vi vẫn còn chịu nhiều cơn đau ở chân nhưng vẫn tỏ ra lạc quan để cha mẹ đỡ buồn lòng. Ảnh: Thiên Chương |
“Mấy đêm nay con bé gần như không hề chợp mắt bởi cơn đau có thể đến bất cứ lúc nào. Có hôm cả phần chân của bé bị giật lên khỏi giường. Bác sĩ bảo do đột ngột mất chân nên mạch máu và thần kinh chưa ổn định. Nhìn thấy con đau đớn, vợ chồng tôi cũng thức theo con”, chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của Vi nói.
Bất ngờ đón nhận tai họa ập xuống, mẹ Vi nói những ngày đầu sau khi rời phòng mổ, cô bé liên tục khóc, thế nhưng những ngày sau đó chắc thấy mẹ khóc nhiều quá cô bé tỉnh táo dần, thậm chí có lúc còn tươi cười động viên ngược lại bố mẹ. Mỗi lần chân lên cơn đau, thay vì nhăn mặt kêu than, Vi chỉ nhíu mày, miệng khe khẽ “con không sao đâu, bố mẹ đừng lo, chắc chỉ vài hôm rồi cơ thể sẽ quen và sẽ hết đau thôi”.
Không chỉ động viên bố mẹ, trên trang cá nhân của mình, nữ sinh lớp 10 còn động viên bạn bè của mình ở Đăk Lăk và hứa sẽ sớm bình phục để trở về. “Hôm qua nghe cô hiệu trưởng gọi điện hỏi thăm, em vui lắm. Giờ còn đau nhưng em luôn cố gắng lạc quan để sớm trở lại với bạn bè, với thầy cô và ngôi trường thân yêu của mình”, Vi nói.
Xót xa trước tình cảnh cô bé bị mất chân chỉ vì một tai nạn nhỏ, từ mấy ngày qua, Hà Vi đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ chức xã hội tại TP HCM và của tỉnh Đăk Lăk. Ngày 16/3, đại diện Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và gia đình về việc sẽ hỗ trợ lắp chân giả cho Vi.
Về việc phục hồi chức năng đi lại của bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa cho biết phần chân còn lại của Vi là không quá khó cho việc lắp chân. “Điều quan trọng nhất trong hiện tại là giúp bé bình tĩnh lạc quan và nghỉ ngơi cho đến khi phần mõm cụt lành hẳn khi đó mới nghĩ đến việc lắp chân. Ở những trường hợp đoạn chi khác, chỉ vài tháng tập luyện sau khi lắp chân giả, bệnh nhân đã có thể đi lại”, một bác sĩ nói.
Chân phải của nữ sinh chỉ còn một đoạn trên gối. Ảnh: Thiên Chương |
Ngày 6/3, Lê Thị Hà Vi, nữ sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) bị tai nạn giao thông và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin trong tình trạng chân phải bị đau. Bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán gãy xương nên cho bó bột. Sau khi bó, bệnh nhân than đau nhưng bác sĩ giải thích cần bó để cố định xương.
Đến ngày 8/3, do thấy con quá đau đớn và các ngón chân sưng to, phụ huynh yêu cầu các bác sĩ tháo bột thì phát hiện chân đã bầm tím, nổi nhiều bóng nước. Hà Vi tiếp tục kêu đau đớn và chân mất cảm giác tuy nhiên đến ngày 11/3, gia đình mới thuyết phục được bác sĩ cho chuyển viện. Tại bệnh viện tỉnh, chân phải của Vi được xác định bị tắc mạch máu nên chuyển lên tuyến trên. Một ngày sau đó, Hà Vi được các sĩ cắt bỏ đến trên gối chân phải do hoại tử.
Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thừa nhận nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân mất chân là do bác sĩ yếu kém về chuyên môn, tắc trách trong công việc. Toàn bộ êkip điều trị cho Hà Vi đã bị đình chỉ công tác.
Đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm và động viên Hà Vi và gia đình sáng 17/3, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk cho biết Sở này đang tiến hành việc tìm hiểu và lập hội đồng chuyên môn để sớm có kết luận cuối cùng về vụ việc.
Về góc độ chuyên môn, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho rằng, ở những bệnh nhân bị gãy mâm chày (xương ở gối) như trường hợp của Hà Vi thường kèm theo tổn thương mạch máu gây tắc mạch. Ở những ca tương tự, các bác sĩ cần phải kiểm tra mạch máu thay vì chỉ băng bột để cố định xương. Việc băng bó và không thông mạch máu sớm có thể dẫn đến hoại tử.
Thiên Chương
gãy mâm chày, nữ sinh mất chân, nữ sinh bị cắt chân, bác sĩ bó bột, bác sĩ kém chuyên môn - 'Nữ sinh bị mất một chân' nén nước mắt vì sợ bố mẹ buồn