Nữ sinh lớp 10 khóc kêu đau suốt 4 ngày, bác sĩ vẫn bảo 'không sao', khiến bệnh nhân sau đó phải tháo bỏ chân do hoại tử.
Lê Thị Hà Vi, 15 tuổi, học sinh lớp 10 trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk bị tai nạn giao thông một tuần trước khiến chân phải đau đớn. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, bệnh nhân được chẩn đoán gãy xương mâm chày (ở gối) nên được bác sĩ cho bó bột.
Cô học sinh lớp 10 xinh xắn phải chịu thương tật vĩnh viễn. Ảnh: Thiên Chương |
Ngay trong đêm, Hà Vi than đau rát chân và đến ngày hôm sau thì mức độ đau tăng dữ dội. "Thấy con đau quá, tôi báo bác sĩ nhưng bác sĩ bảo không sao, phải bó bột để cố định xương. Ngày tiếp theo, các ngón chân của con gái tôi bắt đầu sưng to. Thấy cháu khóc quá, người nhà cắt bớt một phần bột ở sát háng cháu nhưng con tôi vẫn lăn lộn vì đau", mẹ bệnh nhân kể.
Ngày 8/3, các bác sĩ của bệnh viện hội chẩn và đồng ý cho cắt bột. Khi bột được mở ra, toàn bộ chân phải của bệnh nhân sưng to, nổi nhiều vết bóng nước. Sau khi chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho gia đình biết cần phải phẫu thuật, tuy nhiên việc phẫu thuật không thể tiến hành do chân của bệnh nhân sưng quá to.
"Lúc đó con tôi vẫn tiếp tục đau, chân vẫn còn bầm, sưng to và nổi bóng nước. Tôi lo lắm và liên tục báo với bác sĩ đã bó bột cho bé nhưng người này bảo "không sao, cứ chờ theo dõi". Linh tính cho thấy mọi thứ không ổn, ngày 11/3, vợ chồng tôi quyết xin chuyển lên bệnh viện tỉnh và được các bác sĩ đồng ý", người mẹ nói.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk, sau khi chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ cho biết mạch máu ở chân phải của bệnh nhân bị thuyên tắc gây hoại tử. Dự đoán tình huống xấu, bệnh viện tỉnh lập tức chuyển bệnh nhân về TP HCM.
Đến Bệnh viện Chợ Rẫy sau gần 8 giờ đồng hồ đi xe cấp cứu, Hà Vi được các bác sĩ xác định chân phải gần như không còn cử động. Bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn, khoa Ngoại - Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết sau khi được thăm khám tại khoa Cấp cứu, Hà Vi được nhập khoa chỉnh hình. Sau một đêm, đến sáng 12/3, nữ sinh vẫn than đau, chân mất cảm giác và bên ngoài da tiếp tục nổi bóng nước. Kết quả chụp mạch máu cho thấy động mạch nuôi cẳng chân phải bị tắc hoàn toàn. Các bác sĩ tiếp tục theo dõi hoại tử, truyền máu, tầm soát đến chiều 12/3 thì chỉ định mổ.
"Chúng tôi vẫn mang hy vọng có thể giữa lại chân cho người bệnh nhưng trong quá trình mổ, nhận thấy toàn bộ cơ chân của bệnh nhân hỏng nên giải pháp cuối cùng là phải cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng người bệnh", bác sĩ Sơn nói.
Chiều 15/3, trên giường bệnh, thi thoảng đưa mắt nhìn xuống chân phải chỉ còn đến một đoạn ngắn, nước mắt của cô nữ sinh lăn dài trên má. Nắm chặt tay con, người mẹ cũng òa khóc theo. "Tôi và ba nó đau lòng quá. Có được đứa con gái xinh xắn ngoan ngoãn học giỏi, vậy mà chỉ vì một cú ngã, giờ bị cụt mất một chân", người mẹ nức nở.
Người bố cho biết, Hạ Vi là học sinh giỏi môn Địa, cô bé vừa dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được một tuần thì xảy ra tai nạn. "Gia đình nghèo lắm nên con gái là tài sản quý báu nhất của vợ chồng tôi. Giờ bỗng dưng con như thế này", mắt người bố thất thần.
Cũng theo gia đình, đại diện bệnh viện huyện - nơi điều trị ban đầu cho Vi đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ 20 triệu đồng tiền mặt và hứa sẽ chịu trách nhiệm về vụ việc.
Sau vụ việc, tại Bệnh viện đa khoa Cư Kuin, ban giám đốc của bệnh viện này cũng đã lập hội đồng chuyên môn và thừa nhận lỗi thuộc về bác sĩ điều trị. Hiện bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế tỉnh để có hướng xử lý tiếp theo. Trước mắt, bác sĩ băng bột cho bệnh nhân cũng đã tạm bị đình chỉ công tác. Liên quan đến vụ việc, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk báo cáo và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân tập thể liên quan.
Từ chối bình luận trường hợp của Hà Vi vì liên quan đến đồng nghiệp tuyến dưới, tuy nhiên theo các chuyên gia chấn thương chỉnh hình, hầu hết các trường hợp chấn thương gãy xương mâm chày (vị trí gối) thường kèm theo tổn thương mạch máu. Việc chẩn đoán vì thế cần phải kỹ lưỡng để xem mạch máu nuôi chân có bị tắc hay không.
"Nếu bệnh nhân được phát hiện tắc mạch máu và phẫu thuật để làm thông thoáng thì tình trạng hoại tử sẽ không xảy ra. Việc bó bột có thể khiến chân nhanh chóng bị hoại tử do bị gò bó, ngoài ra nếu không can thiệp sớm thì chân sẽ sớm bị 'chết' do không có máu nuôi", một chuyên gia cho biết.
Thiên Chương
gãy mâm chày, nữ sinh mất chân, nữ sinh bị cắt chân, bác sĩ bó bột, bác sĩ kém chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Cư Kuin - Nữ sinh mất một chân vì bác sĩ