Đôi lúc từ chối yêu cầu từ sếp, bạn có thể giúp bản thân thoát khỏi tình trạng kiệt sức, từ đó có thể gắn bó lâu dài với công việc.
Để nhận được sự yêu mến từ cấp trên, bạn cần chứng tỏ bạn sẽ và có thể giúp họ thành công. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn ghi được điểm trong mắt sếp.
1. Tìm lý do để yêu mến và tôn trọng sếp
Bạn khó có thể tạo lập một mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên của mình nếu từ sâu thẳm bên trong con người bạn không thấy tôn trọng họ. Và để yêu mến, ngưỡng mộ một ai đó, bạn phải tìm những đặc điểm hay nét tính cách ở họ mà bạn muốn bản thân cũng có.
Một tin tốt là sẽ có khá nhiều điều ở sếp mà bạn thấy cần phải học hỏi và nể phục đấy. Hãy dành một phút để quyết định xem chúng là gì và luôn nhớ đặt chúng lên vị trí hàng đầu trong tâm trí bạn. Bạn có thể tự hỏi bản thân ngưỡng mộ gì nhất ở sếp, và khi đã có câu trả lời, hãy tận dụng nó nếu có người hỏi bạn về cấp trên. Nếu sếp biết được bạn đang ca ngợi mình, chắc chắn điều đó không thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người.
2. Hãy thật nghiêm túc, thận trọng với những gì bạn nói ra
Nếu bạn từng nói sẽ có mặt ở chỗ làm lúc 8h30, hãy làm đúng như thế. Hay nếu bạn từng đề cập đến hạn cuối để nộp một tài liệu nào đó cho sếp, đừng bao giờ thất hứa. Không nói dối cũng không phóng đại mọi chuyện, kể cả nếu việc đó khiến bạn đau đầu. Nếu phạm phải sai lầm hoặc có khả năng không kịp tiến độ đã cam kết, hãy báo trước với họ. Cuối cùng, đừng kể lại những gì họ đã nói với bạn với bất kỳ ai.
Nếu trước đây bạn từng không làm đúng với những gì đã nói ra, hãy thành thật thừa nhận. Sau đó, bạn nên chia sẻ những việc bạn đang làm để khắc phục sai lầm đó. Xác định rõ ràng các ý định của bản thân và kiên trì đạt được chúng, bạn sẽ có thể chứng tỏ mình là một người đáng tin tưởng với sếp.
3. Thiết lập ranh giới bền vững với sếp và thỉnh thoảng nói 'không'
Một người quản lý dày dặn, có kinh nghiệm thường đề cao những nhân viên nói thẳng, nói thật. Bằng việc thiết lập một ranh giới có thể sắp xếp được nhưng mang tính thực tế, thi thoảng từ chối yêu cầu từ sếp, bạn có thể giúp bản thân thoát khỏi tình trạng kiệt sức, từ đó có thể gắn bó lâu dài với công việc. Đôi khi các ranh giới này được lập ra đúng vào thời điểm kinh doanh cực kỳ bận rộn, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn không thể làm.
Tương tự như vậy, thỏa thuận về bối cảnh và deadline hoàn thành công việc ngay từ đầu, bạn sẽ chứng tỏ rằng bản thân đang nỗ lực thực hiện theo đúng tiến độ và đầy nghiêm túc.
4. Ưu tiên thực hiện những công việc sếp cho là quan trọng
Khi bạn phải thức cả đêm để làm việc, hãy chắc chắn rằng bạn đang ưu tiên hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trước bởi nó quan trọng với bạn, và đặc biệt quan trọng với sếp bạn.
5. Cho sếp thấy bạn nghiêm túc tiếp thu các phản hồi của họ
Khi bị cấp trên gọi lại để đưa ra một vài nhận xét mang tính khắc phục, hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách:
- Ghi chúng lại và đọc to lên để đảm bảo bạn không nghe sai hoặc thiếu sót
- Sau buổi nói chuyện, hãy gửi cho họ một bức email, hoặc một tờ giấy nhắn, cảm ơn sếp vì những ý kiến góp ý và nói rõ bạn định làm gì để thay đổi.
- Tạo thói quen tự nhắc nhở mình về những phản hồi trên và tiếp thu gợi ý của sếp
6. Luôn trung thành kể cả khi sếp không ở gần
Sự tin tưởng là yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ với cấp trên. Đừng nói gì về họ ở nơi công cộng, hay những nơi bạn không nhìn thấy họ. Cũng đừng có ý kiến về họ với sếp lớn hơn. Lúc họ nghỉ ốm ở nhà thì cũng hãy làm việc chăm chỉ như thể họ đang ở trong văn phòng. Đừng có âm mưu chống lại sếp, kể cả khi họ đáng bị như thế.
Lòng trung thành giúp bạn gây ấn tượng với sếp là một người có thể tin tưởng được, có đạo đức cao. Nhờ đó, họ sẽ nhận ra bạn là một nhân viên hiếm có và đáng được giữ lại bên mình.
Hướng Dương
nhân viên, công sở, cấp trên, sếp, mối quan hệ - Thi thoảng nói 'không' với sếp là cách để được yêu quý