Thời cuộc

Lái xe ôm 99 lần hiến máu cứu người

Gần 30 năm nay, ông Phùng Kim Lân, 54 tuổi, vẫn cứ âm thầm thực hiện tâm nguyện cứu người, và hiện có số lần hiến máu nhiều nhất nước.

Sinh năm 1962 ở Long Khánh (Đồng Nai), Phùng Kim Lâm lên đường tham gia nghĩa vụ quận sự tại chiến trường Campuchia khi mới ở tuổi đôi mơi. Và  ái duyên của nghiệp truyền máu cứu người khởi nguồn khi ông nhìn thấy đồng đội là một nữ quân y qua đời trên chiến trường vì mất máu.

"Cô ấy bị trúng đạn. Nhìn đồng đội lịm dần, lòng tôi như nghẹn bởi không biết giúp bằng cách nào. Những ngày sau đó, mỗi lần đứng trước mộ của cô, tôi lại rơi nước mắt rồi tự hứa với lòng từ nay khi nhìn thấy người hấp hối, tôi sẽ làm mọi cách cứu chứ không thể chỉ đứng nhìn", ông Lâm hồi tưởng.

lai-xe-om-99-lan-hien-mau-cuu-nguoi

Chiếc xe cà tàng tháng hỏng mấy lần là cần câu cơm duy nhất của kỷ lục gia hiến máu. Ảnh: Thiên Chương

Xuất ngũ, Phùng Kim Lâm không trở về quê nhà ở Đồng Nai mà bắt đầu những tháng ngày phiêu bạt tại Sài Gòn bằng đủ thứ nghề, từ làm thuê làm mướn, bốc vác, cho đến đạp xích lô. Ý tưởng "làm việc tốt cứu người trước ngôi mộ đồng đội" tưởng chừng đã mờ phai dần rồi tan biến theo từng vòng quay khắc khổ mưu sinh thì đến một ngày nọ mọi thứ được nhen nhóm lại từ câu chuyện mà ông Lâm nghe lỏm trong một lần chở khách.

"Hôm đó tôi chở cùng lúc hai người phụ nữ trên chiếc xích lô của mình. Đang cố sức đạp, tôi bỗng loáng thoáng nghe hai người bàn luận với nhau về chuyện bán máu và hiến máu. Cả hai cho rằng bán máu có tiền mà sao vẫn có những người khùng điên đi cho máu. Cũng trong câu chuyện, tôi nghe họ nói nơi bán máu là ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Không tham gia câu chuyện và cũng không đồng tình với suy nghĩ của hai người khách nhưng tôi thầm cảm ơn vì họ đã mở lối để tôi thực hiện điều mà tôi đã ấp ủ nhiều năm trời", người đàn ông kể.

Vui mừng như người vừa tìm lại được thứ quý báu mà mình bị mất, ngay sau khi chở khách xong, người đàn ông lập tức gò lưng đạp xe đến bệnh viện và ngay trong lần đầu tiên, ông Lâm xích lô đã chìa tay ra hiến ngay 2 đơn vị máu (khoảng 450 ml). "Tôi không bao giờ quên lần ấy. Khi thấy tôi, các bác sĩ cứ tưởng tôi nghèo nên đi bán máu bởi thời đó mỗi lần bán máu được rất nhiều tiền", mặt người đàn ông tươi tắn kể về kỷ niệm.

lai-xe-om-99-lan-hien-mau-cuu-nguoi-1

Bằng khen và giấy chứng nhận là tài sản duy nhất mà ông Lâm hiện có. Ảnh: Thiên Chương

Sau lần bỡ ngỡ ấy, liên tục những năm sau đó, ông Lâm đã có tổng cộng 24 lần hiến máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cảm kích trước tấm lòng của anh chạy xích lô nghèo, ông Trương Văn Việt, Giám đốc bệnh viện thời bấy giờ, đã trao cho ông bằng khen và khuyên ông nên giữ gìn sức khỏe. "Thế nhưng nhiều lần chứng kiến người bị tai nạn chảy nhiều máu, đến năm 1994, khi trung tâm truyền máu khu vực Chợ Rẫy được hội Chữ thập đỏ TP HCM quản lý, tôi lại bắt đầu thực hiện niềm vui dâng hiến cho đời công sức bé nhỏ của mình".

Không còn đủ sức để đạp xích lô, năm 1995 ông Lâm gom góp tiền bạc sắm chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm kiếm cơm nuôi vợ và con gái nhỏ. Ông Lâm không còn được mọi người gọi là "Lâm xích lô" mà chuyển thành "Lâm xe ôm hiến máu" bởi cứ vài tuần ông lại có mặt ở hội chữ thập đỏ để hiến máu một lần. Tính đến lần hiến máu gần nhất vào ngày 15/2, ông Lâm đã có tổng cộng 99 lần hiến máu và là người có số lần hiến máu nhiều nhất Việt Nam (được Ban chỉ đạo Quốc gia về hiến máu trao chứng nhận).

Âm thầm giúp đời, âm thầm mua thức ăn bồi dưỡng sau những lần lấy máu, thành tích của ông là nụ cười hạnh phúc khi biết những giọt máu của mình có thể đi đến mọi nơi để cứu người, thế nhưng cuộc đời riêng của ông Lâm lại thấm đầy mồ hôi và nước mắt. Ở với vợ có được đứa con thì chẳng lâu sau người vợ có tình yêu mới. Rời nhà vợ ở quận 5, ông Lâm lang bạt với chiếc ba lô cũ và chiếc xe cà tàng về Bình Chánh. Thuê một căn phòng nhỏ nhưng không đủ tiền trang trải, đang cơ nhỡ thì may mắn được một người cưu mang cho về ở nhờ.

"Hôm đó thấy đứng ông Lâm đón khách mà mặt buồn thiu. Hỏi ra mới biết không có tiền thuê phòng nên đã trả lại cho chủ. Nghe thấy thương quá nên tôi bàn với vợ cho về ở cùng. Ông trời sao bất công, người tốt như vậy mà cả đời phải chịu cảnh khổ", anh Tâm, người đang cưu mang ông Lâm tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh nói.

lai-xe-om-99-lan-hien-mau-cuu-nguoi-2

Ở tuổi ngũ tuần, vợ bỏ, con gái theo chồng, ông Lâm vẫn phải ăn nhờ ở đậu. Ảnh: Thiên Chương

Chiều một ngày đầu tháng 3, đón những người khách từ quê đến thăm trong căn nhà ở đậu, ông Lâm bối rối không dám rót nước mời khách vì mọi thứ trong nhà không phải là của mình. Chủ nhà thấy vậy như hiểu ý bèn bảo con đi mua cục đá về mời. Rồi cũng như bao lần khác, chuyện vui duy nhất mà ông Lâm kể với khách là mớ bằng khen về thành tích hiến máu, trong đó có cả bằng khen của Thủ tướng, của Bộ trưởng Y tế và lãnh đạo TP HCM.

Cả đời âm thầm giúp người, thế nhưng khi được hỏi tại sao già yếu bệnh tật lại nghèo mà cứ miệt mài hiến máu, ông Lâm chỉ cười hiền: "Tôi còn đến 6 năm nữa để hiến nên chẳng tiếc gì, chỉ mong ông trời cho khỏe mạnh, cả tháng nay bệnh không chạy xe, không có tiền ăn, kiểu này không biết đến chừng nào mới đủ sức mà hiến".

Còn mong ước hiện tại, người đàn ông 54 tuổi cũng không dám mong nhà mong cửa, mà chỉ mong mình có được thẻ bảo hiểm y tế và tấm giấy tờ tùy thân. "Tôi bị mất ví. Mất hết giấy tờ trong đó có cả giấy chứng minh nhưng quay về công an quận 5 nơi tôi từng ở với vợ thì họ bảo trường hợp của tôi phải quay về Đồng Nai để nhờ xác nhận. Còn thẻ bảo hiểm y tế, tôi là người cơ nhỡ không gia cư nên không ai giải quyết. Cả tháng nay bệnh không có tiền mua thuốc mà không có thẻ bảo hiểm nên không biết phải làm thế nào", ông Lâm rươm rướm nước mắt.

Nghèo khổ, trước mắt là vô vàn khó khăn, thế nhưng ngoài mong mỏi có được giấy tờ tùy thân và thẻ bảo hiểm, ông Lâm không hề than phiền hay đòi hỏi được trả ơn. Sợ tuổi ngày một già đi không còn có thể hiến máu giúp đời, mới đây, ông Lâm đã quyết định hiến luôn thân xác mình cho y học. "Mình chết là hết. Thân xác giữ lại cũng chẳng để làm gì. Chết mà giúp được người thì cái chết của mình mới có ý nghĩa", ông Lâm nói.

Thiên Chương

NgoiSao.net

hiến máu, Phùng Kim Lâm, 99 lần hiến máu, kỷ lục hiến máu, người lái xe ôm hiến máu cứu người - Lái xe ôm 99 lần hiến máu cứu người


      © 2021 FAP
        1,339,968       716