Thời cuộc

Nam sinh bị cô đặc máu do bệnh lý hiếm gặp

Mỏi mệt, đau bắp chân và ói sau khi tập thể dục, nam sinh viên ở Bình Dương rối loạn huyết áp do máu bị cô đặc.

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết, bệnh nhân nhập viện sau khi được cấp cứu tại bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nặng, tay chân lạnh, tính mạng nguy kịch.

nam-sinh-bi-co-dac-mau-do-benh-ly-hiem-gap

Nam sinh viên hôn mê khi nhập viện.

“Trước tình hình khẩn cấp, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm và kết quả ngay sau đó cho thấy, máu của bệnh nhân bị cô đặc, bạch cầu máu tăng cao gấp 5 lần người bình thường. Bạch cầu thường 8.000-10.000/mm3 máu, trường hợp này lên đến 50.000/mm3 máu”, bác sĩ Đại nói.

Bệnh nhân được nâng huyết áp bằng cách truyền dịch cao phân tử, thuốc nâng huyết áp và các phương pháp chống thoát huyết tương. “Hiện sức khỏe người bệnh tạm ổn nhưng nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân chắc chắn tử vong. Cụ thể trong các trường hợp mắc bệnh trên thế giới, tỷ lệ tử vong lên đến 75%”, bác sĩ cho biết.

Miêu tả về bệnh lý hiếm, các bác sĩ cho biết huyết tương của bệnh nhân thoát ra ngoài lòng mạch máu, trong khi đó thành phần máu còn lại như hồng cầu, bạch cầu thay vì chỉ có 40% đã tăng lên 70%, điều này khiến máu bị cô đặc. Bệnh còn khiến bệnh nhân bị hoại tử cơ gây yếu hai chân.

Do bệnh dễ lầm với sốt xuất huyết và các bệnh lý khác nên việc chẩn đoán bệnh với chứng thoát huyết tương gây cô đặc máu là rất khó khăn.

Hiện tại Việt Nam, đây là ca đầu tiên mắc bệnh lý cô đặc máu do thoát huyết tương được ghi nhận. Trên thế thế giới, tuổi thọ của những bệnh nhân tương tự trung bình khoảng 15 năm. Khó khăn nhất là bệnh nhân phải thường xuyên liên lạc với bệnh viện và phải đến bệnh viện ngay sau khi có triệu chứng bất thường.

Thiên Chương

NgoiSao.net

cô đặc máu, bệnh lý hiếm gặp, thoát huyết tương qua mao mạch, Chợ Rẫy - Nam sinh bị cô đặc máu do bệnh lý hiếm gặp


      © 2021 FAP
        1,220,319       756