Lãnh đạo Công ty MB24, Cộng đồng Việt... và gần đây nhất là Công ty Liên kết Việt đã bị bắt sau khi kinh doanh theo mô hình đa cấp.
Công ty MB24
Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) do Nguyễn Tuấn Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng 2 người khác thành lập vào giữa năm 2011. Tuy chưa được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng công ty vẫn lập trang web muaban24.vn để hoạt động theo phương thức này.
Lãnh đạo công ty lôi kéo bán gian hàng ảo trên web muaban24.vn, lấy tiền của hội viên sau trả cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản trên hệ thống muaban24.vn để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên để chiếm đoạt. Bằng các thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ khi thành lập đến tháng 7/2012, MB24 đã bán được gần 120.000 gian hàng ảo với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Vụ án có hàng trăm người bị hại.
Giữa năm 2014, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt tổng cộng 42 năm tù dành cho 3 cựu lãnh đạo Công ty MB24.
Nhiều công ty đa cấp đã lừa đảo hàng trăm nghìn người tham gia. Ảnh: HNM |
Công ty Tâm Mặt Trời
Từ năm 2009, tuy không được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng 4 cá nhân đã thành lập ra công ty Tâm Mặt Trời đã, nhận mình là thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Nhóm này sử dụng 2 trang web là emt.vn và emt.com.vn kêu gọi nhiều người mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp.
Theo lời quảng cáo, khi tham gia, các hội viên sẽ phải đóng 6 triệu đồng để sở hữu một gian hàng ảo vô thời hạn. Với gian hàng này, các hội viên sẽ được mua hàng ưu đãi với giá rẻ, tiếp xúc làm ăn với những người nổi tiếng… Thành viên tham gia mạng lưới nếu giới thiệu được một người tham gia vào dự án sẽ được thêm 1,5 triệu đồng. Những thành viên tham gia chờ rất lâu vẫn không thấy mua được loại hàng hóa nên làm đơn tố cáo cơ quan công an.
Cơ quan điều tra, từ khi thành lập đến tháng 10/2012, Tâm Mặt Trời đã mở rộng chi nhánh ở khắp 30 tỉnh thành, lôi kéo được 39.000 hội viên, bán 23.348 gian hàng ảo thu khoản tiền lên tới 122 tỷ đồng. Cuối năm 2012, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Tổng giám đốc cùng một loạt lãnh đạo công ty này bị bắt và truy tố hành vi chiếm đoạt tài sản.
Công ty Cộng đồng Việt
Công ty Cộng Đồng Việt (TP HCM) do Nguyễn Minh Thành làm Giám đốc thành lập năm 2011. Theo cơ quan điều tra, công ty này lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến gần 100.000 người ở khắp cả nước - con số khổng lồ về số nạn nhân. Số tiền bị chiếm đoạt cũng lên đến 400 tỷ đồng.
Đây là mô hình lừa đảo thông qua chiêu thức huy động vốn đa cấp trên mạng internet. Theo đó, mỗi người góp vốn vào được công ty hứa hẹn sẽ chi trả gấp ba (cả gốc lẫn lãi) sau 6 tháng đóng tiền.
Các thành viên góp vốn dưới dạng mã (1,8 triệu đồng một mã), ít nhất phải đầu tư 3 mã (tức 5,4 triệu đồng). Các thành viên tham gia nếu lôi kéo được thêm người sẽ được thưởng 2-90 triệu đồng cùng các hiện vật khác như điện thoại di động xịn, xe gắn máy tay ga đời mới, ôtô du lịch loại đắt tiền…
Thời gian đầu, công ty này chi trả lãi suất cao số tiền thành viên góp vốn để tạo lòng tin mà lôi kéo thêm những người khác tham gia. Lãnh đạo công ty bị bắt cuối năm 2012.
Công ty Xuyên Việt
Đầu năm 2011, Lê Văn Đình (TP HCM) cùng một số người thành lập Công ty cổ phần đầu tư Xuyên Việt mặc dù chưa được cấp giấy phép. Nhóm người này sau đó thiết kế website với tên gọi binhongiathitruong (Bình ổn giá thị trường) nhằm mục đích huy động nhà đầu tư theo hình thức bán hàng đa cấp.
Muốn trở thành thành viên của công ty, nhà đầu tư phải mua một mã số kinh doanh giá 1,2 triệu đồng. Nếu nhận kèm sản phẩm cao ngựa và mỹ phẩm thì có giá 2 triệu đồng. Khi nhà đầu tư giới thiệu thêm hai thành viên khác tham gia sẽ được tăng cấp và nhận mức hoa hồng là 3 triệu đồng. Mạng lưới càng mở trộng thì tiền hoa hồng càng tăng theo cấp số nhân.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý đầu tư ít, lời nhiều của khách hàng để đưa ra quảng cáo không có thật; hàng tháng khách hàng sẽ được nhận nhiều quà tặng có giá trị như xe máy, ôtô, biệt thự...
Chỉ trong tháng 3/2011, công ty này đã nhận 13,6 tỷ đồng từ hơn 11.000 mã giao dịch được thanh toán. Tháng 8/2015, các đối tượng bị xét xử từ 7-13 năm tù.
Công ty Liên kết Việt
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố bị can, tạm giam Lê Xuân Giang (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam, gọi tắt là Liên kết Việt) cùng hai cấp phó và 4 người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty liên kết Việt do Giang đứng đầu, sáng lập bị cáo buộc chuyên kinh doanh một số sản phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe.... dưới hình thức đa cấp để lừa đảo.
Đơn vị này đã tổ chức nhiều hội thảo lôi kéo người tham gia, quảng cáo có những khoản thưởng khủng gồm cả ôtô, xe máy. Nhằm tăng uy tín, lãnh đạo công ty còn mạo nhận Liên kết Việt là công ty thuộc Bộ Quốc phòng và "dựng" lên việc được nhận bằng khen của Thủ tướng...
Theo cáo buộc, từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015, ban lãnh đạo Liên kết Việt đã phát triển hệ thống đa cấp với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu trên 1.900 tỷ đồng. Nhóm này nhận được số tiền thù lao cùng hoa hồng lên đến gần 44 tỷ đồng.
Theo VnExpress
kinh doanh đa cấp, những công ty đa cấp lừa đảo, Liên kết Việt - Những sếp đa cấp từng dính vòng lao lý