Giàng Thị Sinh sang Trung Quốc cùng mẹ đẻ, lấy chồng ở đây rồi móc nối buôn bán phụ nữ với đường dây trong nước.
Là cô gái dân tộc thiểu số xinh xắn, có nước da trắng trẻo, cao ráo nhưng ít ai ngờ Giàng Thị Sinh (sinh năm 1995, trú tại thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ, huyện Bát xát, tỉnh Lào Cai) lại đầu tư tiền để buôn bán người nhằm kiếm lợi cùng mẹ ruột.
Những ngày cuối năm 2015, khi các chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai chuẩn bị lên đường tuần tra thì bất ngờ nhận được đơn trình báo của gia đình nạn nhân Vì Thị Xoan (ở huyện Mường Trà, tỉnh Điện Biên) về việc con gái họ bị kẻ xấu lừa sang Trung Quốc bán. Xoan là một cô gái người Mông đang ở độ tuổi trăng tròn và rất xinh đẹp.
Tới giờ, Xoan còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những ngày rơi vào tay bọn buôn người. Cô là số ít người trong thôn học đến lớp 9/12, có thể nghe nói tiếng phổ thông thành thạo, thế nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, cái nghèo lại mắc cái eo khiến cô không thể tiếp tục tới trường. Xoan sớm nghỉ học và chưa tìm được việc làm.
Giàng Thị Sinh đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ sau khi vượt biên về nước để gặp mối mua tiếp một phụ nữ khác. |
Một hôm, cô gặp một người đàn ông lạ ngỏ ý muốn cho đi nhờ xe máy nhưng Xoan không đồng ý. Vừa dứt lời, người đàn ông vội đưa điếu thuốc hút dở lên miệng, hít một hơi dài rồi phà khói thẳng vào mặt nạn nhân. Trong chốc lát, Xoan choáng váng, xây xẩm mặt mày và không biết những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhất nhất chỉ hành động theo những gì người đàn ông đó nói. Xoan ngoan ngoãn lên ngồi sau chiếc xe máy cũ kỹ, mặc gã đàn ông nọ rồ ga phóng vụt đi trên những con đường dốc núi mà Xoan không rõ đó là ở đâu, nơi nào.
Cô gái chỉ nhớ, người đàn ông giới thiệu ở Điện Biên còn đưa đi đâu thì không biết. Sau nhiều giờ đồng hồ, cô bừng tỉnh và hỏi hắn mình đang ở đâu. Gã đàn ông ngon ngọt bảo: “Đang ở Lào Cai và giờ thì sang Trung Quốc trồng chuối thuê, lương cao lắm”. Cô gái không đồng ý liền rút điện thoại toan gọi về nhà nhưng bị chặn lại, ép lội suối sang Trung Quốc nếu không sẽ bị đánh. Ở bờ bên kia, hai gã đàn ông khác đang đợi sẵn. Cô định chạy về nhưng hai gã đã kịp ốp lên chiếc xe máy và nói: “Tao mua mày rồi”.
Sau hơn một giờ đồng hồ, cả ba gặp mẹ con Giàng Thị Sinh. Mẹ của Sinh tỏ ra thân thiện nói: “Ta đưa tiền cho hai người đàn ông mua cháu rồi. Đừng khóc, đi với mẹ, mẹ sẽ thương. Mẹ nhận được hai đứa ở phòng rồi mẹ sẽ đưa đi ở với hai đứa ấy”.
Xoan bị đẩy lên tầng 4 của một toà nhà cùng Dở (người Mường Nhé, Điện Biên) và Vàng (người Hà Giang). Hoang mang tột độ, cô kêu khóc thảm thiết, thế nhưng Giàng Thị Sinh vẫn tỏ ra bình thản và ra sức khuyên bảo: “Đừng khóc nữa, mẹ chị và chị mất rất nhiều tiền mua em về, em khóc hay không khóc thì cũng không cho em quay về nữa. Chị sẽ tìm chồng cho em lấy”.
Tại nơi nhốt, nạn nhân cho biết, ngoài mẹ con Sinh còn dì của Sinh và hai người đàn ông dân tộc Mông. Sáng hôm sau, mẹ Sinh cùng một người đàn ông dân tộc Mông kêu cô dậy và chở đi, vừa đi cả hai vừa đe dọa sẽ giết nếu cô phản kháng. Lúc này, cô gái trẻ dường như đã tĩnh tâm và nghĩ cách thoát thân. Cô kể: “Khi ra tới đoạn đường lớn có dân đi lại nhiều, tôi đã nhảy ra khỏi xe và được người dân giúp đưa vào một trường học. Tôi mượn điện thoại gọi về cho người nhà cứu giúp”.
Ít ai biết, kế hoạch thoát thân của Vì Thị Xoan đã nằm trong dự tính của những chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Từ lời trình báo của gia đình cô, lực lượng bộ đội biên phòng đã nhanh chóng xác minh nguồn tin trên, đồng thời gửi thư trao đổi với lực lượng công an biên phòng Trung Quốc để giải cứu nạn nhân. Tuy nhiên, công việc này khá nan giải do việc xác định chính xác nơi ở của cô gần như là không thể, bởi bọn buôn người liên tục thay đổi, thường bán luôn nạn nhân rồi tẩu thoát.
Thiếu tá Nguyễn Bình Trọng - Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - cho biết đã tổ chức phương án giải cứu bằng biện pháp nghiệp vụ, đề nghị người nhà nạn nhân giữ liên lạc, đồng thời sử dụng biện pháp câu nhử thủ phạm về Việt Nam. Tới 16h ngày 23/11 lực lượng bộ đội biên phòng đã bắt giữ Giàng Thị Sinh tại bến xe Lào Cai khi cô ta vừa vượt biên giới về Việt Nam để chuẩn bị đưa một nạn nhân khác sang Trung Quốc bán.
Tại đồn biên phòng, Giàng Thị Sinh bước đầu khai nhận là người dân tộc Mông (sinh năm 1995, trú tại thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ, huyện Bát xát, tỉnh Lào Cai). Giàng Thị Sinh sang Trung Quốc cùng người mẹ ruột 3 năm nay để môi giới mua bán phụ nữ và trẻ em. Cách thức mua bán là chung tiền mua người từ Việt Nam sang Trung Quốc để bán cho nhà chứa và bán cho những người đàn ông Trung Quốc ở vùng sâu vùng xa, rồi chia nhau phần chênh lệch.
Sinh đã lấy chồng tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ở phi vụ này, Sinh góp với mẹ một vạn nhân dân tệ, tương đương 35 triệu đồng Việt Nam, để chung mua Vì Thị Xoan với giá 2,5 vạn tệ. Với số tiền một vạn nhân dân tệ, Sinh thống nhất với mẹ nhận 30% tiền chênh lệch khi bán nạn nhan. Sau đó, Sinh vượt quãng đường 2.500 km từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đến huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi vượt biên về Việt Nam nhằm chủ động trong các giao dịch mua bán người.
Sau khi mua Xoan thành công, biết ở Việt Nam có mối mua người khác, Sinh liền quay trở lại. Chiều tối 22/11, Sinh từ Trung Quốc về Việt Nam theo đường mòn qua thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương rồi gọi điện thoại bắt mối mua người. Tuy nhiên, những người xuất hiện đón Sinh tại bến xe Lào Cai lại chính là những chiến sĩ biên phòng.
Theo Lao Động
buôn bán phụ nữ, buôn bán người, bán phụ nữ sang Trung Quốc - Thủ đoạn buôn người của hai mẹ con hotgirl dân tộc