Thời cuộc

Vợ chồng nghèo bất lực nhìn con chết dần vì ung thư

Cách duy nhất để con trai duy trì sự sống là truyền máu, song với vợ chồng người làm thuê ở Bến Tre, điều này hoàn toàn ngoài tầm với.

Chiều 6/1, ngồi cạnh con đang nằm mê man tại phòng hồi sức tích cực khoa ung thư nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Nguyễn Văn Nên không cầm được nước mắt. Cách duy nhất để có máu truyền cho con là trông chờ vào đơn vị y xã hội của bệnh viện và tấm lòng của các nhà hảo tâm.

vo-chong-ngheo-bat-luc-nhin-con-chet-dan-vi-ung-thu

Không chỉ cần máu, Nhật Linh đang yếu dần vì viêm phổi. Ảnh: Thiên Chương

Gia đình hai bên đều nghèo xơ nghèo xác, cưới nhau gần 10 năm, đôi vợ chồng trẻ quê ở Chợ Lách, Bến Tre, sống bằng nghề làm thuê vác lúa mướn. Cuộc sống thiếu thốn nhưng đang vui vẻ thì tai nạn ập đến khi đứa con trai đầu lòng Nguyễn Nhật Linh bỗng dưng đổ bệnh.

"Lúc đầu thằng bé chỉ than đau nhức hai chân. Cứ nghĩ do cháu vận động nên mới bị như vậy, vợ chồng tôi cho con uống thuốc giảm đau nhưng uống hoài không khỏi. Đến khi đưa cháu vào bệnh viện tỉnh để làm xét nghiệm, hai vợ chồng mới chết lặng", anh Nên kể.

Theo lời người bố, tại bệnh viện địa phương, Nhật Linh được chẩn đoán nhiễm trùng máu, bé nằm một tuần sốt dai dẳng nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Tại đây, kết quả chẩn đoán xác định bé bị chứng bạch cầu lympho cấp hay còn gọi là ung thư máu.

Nhận tin "sét đánh ngang tai", vợ chồng anh Nêm về quê bán tất cả những gì có thể rồi vay mượn bà con họ hàng được vài chục triệu đồng. Số tiền là cả tài sản của đôi vợ chồng nghèo những cũng chỉ đủ trang trải cho vài tuần chi phí. Trong khi đó, theo phác đồ điều trị, Nhật Linh phải hóa trị đến hơn hàng chục lần và liên tục truyền máu.

Họa vô đơn chí, khi con trai lớn đổ bệnh cũng là lúc chị Trang biết mình mang thai. Một mình anh Nên ở lại Sài Gòn chăm con, chị Trang ôm bầu trở về quê làm thuê làm mướn. "Nhiều người thấy thương cho hoàn cảnh của hai vợ chồng nên chấp nhận thuê mướn bà bầu giúp việc. Ai thuê gì nhắm sức có thể làm được là tôi làm. Người khỏe mạnh mỗi ngày nhận tiền công ngoài một trăm nghìn, tôi yếu ớt nên chấp nhận mỗi ngày vài chục. Miễn sao có tiền lo cho con", chị Trang kể.

Biết gia cảnh của vợ chồng anh Nên, chính quyền địa phương đã giúp đỡ bằng cách chứng nhận hộ nghèo để vợ chồng anh bớt gánh nặng, tuy nhiên do bé Nhật Linh phải thường xuyên truyền máu nên mọi cố gắng tài chính đều như "sỏi ném mặt hồ". Ước tính kể từ tháng 5/2015 đến nay, vợ chồng anh Nên đã phải vay mượn gần 200 triệu đồng để điều trị cho con và chỉ từ cuối tháng 11/2015 đến nay chỉ riêng tiền máu và tiền thuốc đã gần 60 triệu đồng. 

"Đến thời điểm này thì vợ chồng tôi hoàn toàn bế tắc. Người thân, người quen, thậm chí người không quen cũng đã vay đã mượn hết rồi. Cầm phiếu thông báo chi phí truyền máu cho con trong mấy ngày tới lên đến vài chục triệu đồng, vợ chồng tôi chỉ còn biết khóc", chị Trang nói.

Theo các bác sĩ khoa Nội 3 (khoa ung thư nhi), Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, từ khi nhập viện đến nay, bé Linh đã qua 10 đợt thuốc. Tuy nhiên những ngày gần đây bệnh của bé đang nặng hơn. "Bệnh nhân chán ăn và thiếu máu nghiêm trọng. Hiện bé phải nằm phòng sức tích cực của khoa vì viêm phổi và tràn dịch màng phổi, xẹp phổi . Cứ khoảng 1-2 ngày thì phải truyền hồng và tiểu cầu một lần với chi phí mỗi đợt từ 5 đến 6 triệu đồng", một bác sĩ cho biết.

Để giúp đỡ cho bệnh nhân, khoa Nội 3 đã đưa Nhật Linh vào danh sách những bệnh nhi cần được hỗ trợ tài chính. "Chúng tôi luôn vận động các nhà hảo tâm và áp dụng mọi chính sách ưu tiên đặc biệt đối với những hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên do số lượng bệnh nhân nghèo quá lớn nên gánh nặng lớn nhất vẫn thuộc về gia đình", bác sĩ nói.

Thiên Chương

NgoiSao.net

ung thư máu, bệnh nhi nghèo, bé nguy kịch vì ung thư, nhìn con yếu dần, vợ chồng nghèo, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, kiệt quệ vì ung thư - Vợ chồng nghè


      © 2021 FAP
        1,343,459       113