Xét nghiệm hơn 22 mẫu nước đá đang bày bán có tới 12 mẫu nhiễm khuẩn có thể gây bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Tại buổi họp chuyên ngành do Sở Y tế TP HCM tổ chức sáng 6/1, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, trong 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá trên địa bàn, chỉ có 115 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và an toàn thực phẩm.
Nhiều điểm phân phối đặt đá cạnh miệng cống. Ảnh: Thiên Chương |
Cũng trong thời gian kiểm tra, chi cục cũng đồng thời lấy một số mẫu nước đá (gồm đá cây và đá viên) mang đi xét nghiệm các chỉ số vi sinh. Kết quả cho thấy quá nửa số nước đá chứa khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa.
Theo cảnh báo từ các bác sĩ chuyên khoa nhiễm và khoa tiêu hóa, nước đá nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp còn có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Riêng trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa có thể ảnh hưởng chức năng phổi, thận và đường tiết niệu.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến nước đá nhiễm khuẩn, các chuyên gia cho rằng rất nhiều cơ sở không xử lý nước (nguyên liệu chính làm nước đá) khiến nước đá thành phẩm cũng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các khuôn đúc để làm nước đá và quá trình vận chuyển đá không đảm bảo vệ sinh.
Thiên Chương
nước đá bẩn, nước đá nhiễm khuẩn - Nhiều mẫu nước đá ở TP HCM nhiễm khuẩn gây bệnh