Thời cuộc

Xin làm đám cưới rồi bán cô dâu sang Trung Quốc

Tự giới thiệu là cán bộ kiểm lâm đã ly hôn vợ, Đảm tán tỉnh Tuyết. Khi đã tạo được lòng tin, Đảm ngỏ lời tiến tới hôn nhân rồi lừa bán sang Trung Quốc.

Sáng sớm ngày 14/12/2015, phòng xử TAND Hà Nội trống vắng chỉ có bị cáo đứng trước vành móng ngựa, hai phụ nữ là bị hại ngồi ngay hàng ghế phía sau. Bị cáo Lưu Ngọc Đảm (sinh năm 1971, ngụ thôn Phú Cường, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) vẻ mặt tỉnh ráo, đứng rung chân trước vành móng ngựa, thi thoảng lại ngoái cổ nhìn các bị hại dù liên tục bị chủ tọa nhắc nhở. Theo cáo buộc, Đảm có hành vi lừa bán hai phụ nữ nêu trên sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Một trong hai bị hại là người từng đặt niềm tin xây dựng tổ ấm với bị cáo.

xin-lam-dam-cuoi-roi-ban-co-dau-sang-trung-quoc

Bị cáo Đảm tại tòa. 

Nước mắt lưng tròng, chị Cấn Thị Tuyết (sinh năm 1990) bộc bạch từng có một đời chồng và một con, nhưng cuộc sống hôn nhân tan vỡ, chị đem con về nương tựa nhà bố mẹ đẻ, hằng ngày đi làm công nhân. Trong một lần lên bệnh viện ở Hà Nội chăm người thân năm 2012, chị tình cờ gặp Đảm đang chăm sóc bố. Qua vài lần trò chuyện, cả Đảm và ông bố đều giới thiệu chàng trai là cán bộ kiểm lâm, cũng gặp cảnh hôn nhân tan vỡ.

“Sau đó chúng tôi thi thoảng gọi điện nói chuyện. Gần một năm quen nhau, Đảm ngỏ lời xây dựng tổ ấm với tôi. Là phụ nữ “đứt gánh giữa đường”, tôi khao khát có người chồng nương tựa nên mới bị những lời đường mật của Đảm làm xiêu lòng. Tin Đảm một phần, lại từng gặp cả bố anh ta nhiều lần ở bệnh viện nên càng tin tưởng”, người phụ nữ kể.

Chị Tuyết thừa nhận từ lúc quen thân, Đảm luôn thể hiện là “người đàn ông của gia đình” như đưa đón, mua quà tặng con riêng của “vợ tương lai”. Khoảng cuối tháng 7/2013, Đảm chính thức mở lời muốn lấy chị Tuyết làm vợ.

Người đàn ông này cũng nhiều lần tới nhà bạn gái chơi, nói rõ ý định trên với bố mẹ chị Tuyết. Đến ngày 28/8/2013, Đảm ăn mặc chỉnh tề đến gặp bố mẹ chị Tuyết xin phép đưa người yêu về quê Bắc Giang dự đám cưới cháu, nhân dịp này ra mắt gia đình nhà trai. Cả nhà chị Tuyết mừng thầm bởi cô gái từng một lần đò tìm được chỗ nương tựa.

Lên tới Bắc Giang, chị Tuyết được bạn trai đưa về gặp bố và mẹ kế. Sáng hôm sau Đảm rủ người yêu lên nhà chị gái ở Lạng Sơn lấy tiền nợ về lo đám cưới. Khi chị Tuyết từ chối, Đảm dẻo mồm: “Chị ấy bắt anh phải đưa em lên thì chị ấy mới trả tiền vì sợ anh không lấy vợ mà tiêu hết tiền”.

Lên tới thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) lúc chiều tối, cả hai xuống xe khách và được xe ôtô bốn chỗ đón đi tiếp. Sau mấy tiếng đồng hồ vòng vo qua nhiều cung đường tối om, đất đá gồ ghề, chiếc xe dừng lại ở một nhà hàng.

Ngước mắt nhìn thấy nhiều chữ Trung Quốc trên bảng hiệu và nhiều người nói chuyện bằng ngôn ngữ lạ, chị Tuyết quay sang hỏi bạn trai: “Vẫn chưa tới nhà chị gái à. Ở Việt Nam sao lại có nhiều chữ Trung Quốc thế” thì bị Đảm đánh lạc hướng: “Ở đây người Việt Nam và Trung Quốc sống chung” rồi giục ăn cơm.

Đến lúc này chị Tuyết vẫn chưa biết đang ngồi trên đất Trung Quốc: “Sau đó có hai người đàn ông tới giới thiệu là họ hàng nhà Đảm, tách chúng tôi chở đi với lý do đường xấu phải chở từng người. Tôi lên xe và không gặp lại Đảm từ đó. Hóa ra cả bọn chúng lên kế hoạch sẵn, còn tôi ngu ngơ không biết đã bị bán”, chị Tuyết kể lại giọng căm hờn. Người phụ nữ nhẹ dạ sau khi bị đưa đến một ngôi nhà, ép “đi khách” mới biết bị lừa bán.

Chị kể lại, từ lúc biết bị bán không lúc nào nguôi ý định bỏ trốn: “Ở nơi xa lạ, không biết nói tiếng bản địa, chủ nhà cấm tôi dùng điện thoại, cử người trông chừng nên đành cắn răng chịu nhục chờ cơ hội. Có lần tôi mượn điện thoại của khách lén gọi về nhà nhưng do sóng yếu, chỉ nghe rồ rồ. Trong vòng một tháng, họ bán tôi qua tay hai “tú bà””, chị Tuyết nhớ lại quãng thời gian sống trong tủi nhục.

Mãi đến dịp lễ Trung thu, khi chủ nhà ăn nhậu quá chén ngủ quên, chị Tuyết được một cô gái gốc Việt cùng cảnh ngộ rủ chạy trốn đến Macau. Cô gái cùng bỏ trốn dặn chị Tuyết ngồi chờ ở quán cơm mà theo chị, nghi vấn cô gái này một lần nữa đang tìm khách bán chị.

May mắn trong lúc ngồi ăn, chủ quán cơm đến bắt chuyện, cảnh báo chị Tuyết “không khéo bị bán sang Macau đó” rồi hỏi chị có muốn báo cảnh sát không. Lúc này người phụ nữ chột dạ nhớ lại những “tú bà” trước đây đều giả vờ giúp đỡ chị, bảo rằng gửi chị cho người này người nọ dẫn về Việt Nam, nhưng tất cả đều nhằm lừa bán chị sang tay.

Sau đó ông chủ quán cơm gọi điện báo cảnh sát nước sở tại, chị Tuyết được đưa về trại tập trung ở hơn hai tháng. Đến ngày 4/12/2013, chị Tuyết bị trục xuất khỏi Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ngay khi về nước, chị đã đến cơ quan công an tố cáo Đảm.

Gần một năm sau khi lừa bán chị Tuyết sang Trung Quốc, Đảm tiếp tục phạm tội. Nạn nhân lần này là chị Trần Thị Bích (sinh năm 1983, ngụ thôn Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

May mắn, nạn nhân được người nhà chuộc về ngay khi đặt chân sang bên kia biên giới. Bức xúc, chị Bích kể được Đảm chủ động làm quen trên chuyến xe khách đi Hòa Bình cuối tháng 5/2014. Sau nhiều lần chuyện trò làm thân, biết bạn mới quen đang cần tiền để kinh doanh, ngày 15/6, Đảm gọi điện rủ chị Bích lên TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) sẽ cho vay vốn. Cả tin, chị Bích đón xe đi Bắc Giang. Biết “con mồi” đã cắn câu, Đảm lặp lại “bài cũ” rủ bạn lên nhà chị gái ở Lạng Sơn lấy tiền.

Chị Bích chỉ nhớ khi trời nhá nhem tối cùng Đảm xuống ôtô khách, sau đó được người đàn đón đi tiếp bằng xe ôtô: “Giữa đường, chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà hoang nghỉ ngơi chốc lát rồi đi tiếp. Qua vài ngọn đồi, có một phụ nữ ra đón, dẫn về nhà nghỉ. Lúc tôi hỏi đi lâu thế vẫn chưa tới nơi, Đảm nói còn xa, nghỉ ngày mai đi tiếp”.

Linh cảm có chuyện không hay, chị Bích nói sáng hôm sau sẽ quay về Hà Nội, không cần mượn tiền nữa. Khi chị gọi điện về nhà, lập tức bị Đảm giật máy ném đi, tát vào mặt rồi bắt lên xe chở đến nhà người phụ nữ tên Tám ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Lúc này chị Bích nghe Đảm nói với người lạ “hàng em đã mang sang” mới chột dạ biết bị lừa bán: “Tôi bị ép đi với người đàn ông Trung Quốc, phải quỳ gối van xin người phụ nữa kia cho phép gọi điện về Việt Nam bảo người nhà mang tiền lên chuộc”, bị hại khai trước tòa.

Trong lúc đó ở Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1972, chồng chị Bích) vay mượn họ hàng được 12 triệu đồng đem lên thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đổi sang 3.500 nhân dân tệ (NDT) và giao cho một phụ nữ theo hướng dẫn của vợ bên kia bên giới. Đồng thời ngày 19/6, anh Sơn đã đến công an huyện Gia Lâm trình báo sự việc vợ bị lừa bán.

Còn Đảm thông qua người trung gian đã nhận 9,1 triệu đồng và 300 NDT là tiền bán chị Bích rồi trở về Việt Nam sáng ngày 21/6. Cùng thời điểm này, nạn nhân của Đảm cũng được trả về biên giới.

Khi về tới TP Lạng Sơn, chị Bích nhìn thấy Đảm liền gọi điện cho chồng trình báo cảnh sát. Cảnh sát huyện Gia Lâm phối hợp với công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ Đảm cùng toàn bộ tang vật.

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đảm khăng khăng chối tội. Trước vành ngựa, hai bị hại đồng thanh vạch trần hành vi phạm tội của Đảm và đề nghị HĐXX tuyên mức án thật nghiêm khắc. Thế nhưng bị cáo vẫn chối tội đến cùng: “Bị cáo không bán người. Nếu bán người chỉ lấy hơn mười triệu đồng thì lấy làm gì”.

Sau giờ nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận thấy mặc dù bị cáo chối tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như lời khai các bị hại tại tòa, đủ cơ sở chứng minh Đảm phạm tội “mua bán người” như cáo buộc của Viện kiểm sát. HĐXX tuyên phạt Lưu Ngọc Đảm 13 năm tù, buộc bồi thường cho hai bị hại tổng cộng 80 triệu đồng.

Theo Pháp Luật Việt Nam

NgoiSao.net

bán người, buôn người sang Trung Quốc, cô gái trẻ bị bán - Xin làm đám cưới rồi bán cô dâu sang Trung Quốc


      © 2021 FAP
        1,218,457       977