Thời cuộc

'Phép thuật' ở ngôi đền thiêng giúp đàn ông cai rượu

Nhiều người phụ nữ có chồng nghiện rượu, hay đánh chửi vợ con tới đây cầu khấn, cuối cùng chồng thay tâm đổi tính, tu chí làm ăn.

Kim Sơn là một huyện ven biển nằm ở cực nam của tỉnh Ninh Bình. Người dân huyện Kim Sơn từ nhiều năm nay lại truyền tai nhau về sự linh thiêng của một ngôi đền ở xã Tân Thành có tên đền quan thanh tra giám sát, mà trong tín ngưỡng thờ Mẫu là quan lớn đệ nhị thượng ngàn. Ở ngôi đền này, không ít phụ nữ có chồng nghiện rượu, hay đánh mắng vợ con đã tìm đến cầu khấn đề đức lang quân của mình từ bỏ thói hư tật xấu.

Đền quan thanh tra giám sát thực tế chỉ là một ngôi nhà ba gian nằm khuất giữa những tán cây, bên cánh đồng lúa đang lên xanh tốt. Phía trước đền có một động nhỏ thờ Ngũ hổ uy nghi.

Theo cụ thủ từ Trần Văn Kim, ngôi đền đã có lịch sử khoảng 200 năm, nó gắn liền với công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của quan doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ từ những năm đầu thế kỷ 19. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, những cư dân đầu tiên đến cư trú trên vùng đất mới đã lập ngôi miếu thờ quan bản thổ. Nếu ở mỗi gia đình thờ ba ông đầu bếp cai quản việc nhà thì quan bản thổ là người cai quản cho một xóm, một vùng. Trước đây, nhân dân địa phương vẫn đều đặn một năm hai kỳ xuân, thu cúng bái.

phep-thuat-o-ngoi-den-thieng-giup-dan-ong-cai-ruou

Đền thờ quan thanh tra giám sát được nhiều người dân thờ cúng.

Ban đầu, đền có tên là đền Thân Mục chỉ thờ thần thổ địa. Sau này, người dân mới sang tỉnh Nam Định rước bát hương quan thanh tra giám sát về thờ nên hiện giờ đền vừa thờ Thành hoàng bản thổ vừa thờ hội đồng quan thanh tra giám sát.

“Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền từng là nơi ẩn náu, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhưng không hiểu vì sao, có một thời gian người ta cho rằng đền thờ quan bản thổ không có công lao gì nên các cánh cửa, xà hoành bằng gỗ bị dỡ làm đồ dùng, bàn ghế. Đền thờ được dùng làm nhà kho của hợp tác xã. Thời gian qua đi, trải qua những biến động của lịch sử, cuộc sống, người dân vẫn giữ lại được bát hương và 3 thanh kiếm cổ là di vật của ngôi đền xưa”, cụ thủ từ Trần Văn Kim kể lại.

Khi được hỏi về sự linh thiêng của ngôi đền quan thanh tra giám sát, người dân ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vẫn truyền miệng nhau về những cái chết đầy bí ẩn lẫn kết cục “không ra gì” của những người dám cả gan xâm phạm vào “chốn cư ngụ của thần thánh”. Dù những cái chết bí ẩn đó xảy ra cách đây đã hàng chục năm nhưng với người dân địa phương, những câu chuyện đó như mới xảy ra ngày hôm qua và còn hằn in trong ký ức của họ. Theo đó, người đầu tiên phải chịu “báo ứng” chính người đã có chủ trương phá dỡ ngôi đền.

Một bậc cao niên trong làng kể lại: “Ngày đó, ngay trước cửa đền có một cây muỗm được trồng từ rất lâu, thân cây to đến mức hai người ôm không xuể. Có người đã khoán cho hai thanh niên lên chặt cây về làm nhà, lấy cánh cửa đền về đóng bàn ghế... Hai người này khi đó ngần ngại mãi không dám chặt, sau bị thúc ép quá nên đã phải làm lễ xin mới có thể hạ cây an toàn. Chỉ mấy ngày sau người cho chặt cây mắc bệnh nằm liệt giường. Điều kỳ lạ là người cứ thẳng đơ như khúc gỗ, mọi sinh hoạt phải có người nâng lên đặt xuống chứ không tự xoay ngang, xoay ngửa được. Hơn một tháng sau thì người đó qua đời”.

Theo cụ thủ từ Trần Văn Kim thì những người tham gia vào việc phá ngôi đền ngày ấy đều gặp phải những điều không may mắn trong cuộc sống hoặc những tai ương lạ kỳ bỗng dưng xuất hiện cứ như từ trên trời rơi xuống. Hoặc cũng có người đã mang bát hương thờ đi nơi khác cũng bị lâm trọng bệnh nằm liệt giường không đi lại được rồi qua đời trong sự bàng hoàng của người thân.

Thế nhưng điều đặc biệt nhất khi kể về ngôi đền quan thanh tra giám sát, theo cụ thủ từ Trần Văn Kim phải là chuyện những người phụ nữ trong làng ngoài xã không may lấy phải những người đàn ông nghiện rượu, bỏ bê công việc, đánh chửi vợ con. Họ đều tìm đến ngôi đền nhờ khấn xin Quan bản thổ linh thiêng giúp cho các đức lang quân của mình tu tỉnh làm ăn, bỏ được rượu chè.

Cụ thủ từ Trần Văn Kim cho biết: “Điển hình phải nhắc đến trường hợp của ông Phạm Văn Bồi, 53 tuổi, người ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn. Ông Bồi nghiện rượu, uống rượu như nước lã, cứ say khướt, vợ và người thân trong gia đình nhiều lần khuyên nhủ mà vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng người vợ đã đến ngôi đền, khẩn thiết xin quan bản thổ với mong muốn chồng thay tâm đổi ý, cai rượu để vợ con đỡ khổ. Sau một tuần, chị vợ ông Trần Văn Bồi quay lại lễ tạ có tâm sự với tôi rằng không hiểu sao ông ấy lại bỗng dưng thay đổi, đỡ uống rượu đi rất nhiều. Một tháng sau thì tuyệt nhiên không còn thấy động đến một giọt rượu, từ đó cũng không còn chửi mắng vợ con nữa".

Cũng ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn còn có câu chuyện tương tự như thế với gia đình ông Trần Văn Phòng (63 tuổi). Bà vợ của ông Trần Văn Phòng tâm sự: “Ngày trước hễ khách đến chơi là ông ấy mang rượu ra tiếp, ông từng là “đệ tử” của lưu linh, bị “ma men” dẫn lối không biết bao nhiêu năm trời. Tôi nhiều lần phải ngủ ở ngoài vườn vì sợ không dám vào nhà. Thế mà sau khi đến ngôi đền quan thanh tra giám sát xin các quan về, ông ấy bỏ được rượu, ăn được, ngủ được, tăng được mấy cân. Đến giờ ông nhà tôi đã bỏ được hẳn rượu”.

Sự linh nghiệm của quan thanh tra giám sát ngự trong đền thiêng còn đúng với cả các trường hợp đối xử không tốt với vợ con như ông Trần Văn Thọ, người ở xã Đồng Hướng. “Trước đây, vợ con có gì không vừa lòng là ông ấy mắng mỏ, tra khảo. Thế mà bây giờ ông ấy lại tu chí làm ăn, chịu khó đi làm, không chửi bới gì nữa. Kể cũng như một sự lạ...”, một người hàng xóm của ông Trần Văn Thọ cho biết.

Kể về những bà vợ từng đến đền quan thanh tra giám sát tạ lễ vì thần linh đã “ban phép” giúp chồng họ tu tỉnh, giữ được gia đình yên ấm, hạnh phúc thì nhiều lắm nhưng như cụ Thủ từ Trần Văn Kim nói thì đó là: “Chuyện nhà người ta, mình cũng không hỏi sâu, hỏi kỹ làm gì”.

Còn theo các bậc cao niên trong xã Tân Thành, xã Đồng Hướng thì cần phân biệt rõ ranh giới giữa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với việc mê tín dị đoan, nếu có thì phải bài trừ những hành vi ấy. Việc người dân trong xã đến cầu khấn đền với niềm tin và sự an lành, mong điều tốt đẹp cho những người thân trong gia đình là nhu cầu có thật. Cụ thủ từ Trần Văn Kim khẳng định rằng đến giờ chẳng ai có thể chứng thực việc những người phụ nữ đến đền cầu khấn cho thuận vợ thuận chồng thành công thế nào, nhưng nghe họ kể lại mọi chuyện đã tốt đẹp hơn.

Còn chuyện một số người không may qua đời cũng có thể chỉ là do ngẫu nhiên, hay chuyện người dân truyền miệng là ngôi đền có “phép thuật” là một cách nói quá lên của con người. Theo suy nghĩ của họ, quan bản thổ là vị thần cai quản các vùng đất, cai quản các ngôi nhà nên việc ngài ra tay bảo vệ cho những người vợ yếu đuối, uốn nắn những ông chồng vũ phu nát rượu, giữ cho mái nhà yên ấm, hòa thuận, vợ chồng cơm lành, canh ngọt cũng là lẽ thường.

Theo An Ninh Thủ Đô

NgoiSao.net

đền thiêng, Kim Sơn Hòa Bình, linh thiêng, chuyện lạ - 'Phép thuật' ở ngôi đền thiêng giúp đàn ông cai rượu


      © 2021 FAP
        1,353,476       521