Thời cuộc

Nam bác sĩ hơn 20 năm làm 'bà đỡ'

Hơn 20 năm công tác ở khoa sản, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được ví như 'bà đỡ' mát tay, có tâm, có nghề.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Khải về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công tác đến nay đã được hơn 20 năm. Bác sĩ là người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân bị HIV trong vụ 18 y bác sĩ của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV gây chấn động ngành y hồi giữa năm.

Là người trực tiếp can thiệp vào sự sống của người mẹ và đón hàng nghìn sinh linh bé nhỏ chào đời, bác sĩ Khải coi đó là diễm phúc của cuộc đời. Mỗi đứa trẻ sinh ra, anh coi chúng như con cái mình, khoảnh khắc chúng cất tiếng khóc chào đời khiến anh hạnh phúc biết bao. Cũng làm bố của hai đứa trẻ nên anh hiểu được cảm giác lúc ấy: "Thật sự là hạnh phúc dạt dào".

"Cha đỡ" không nhớ nổi mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh. Thế nhưng cảm xúc bồng bế một sinh linh và chứng kiến niềm hạnh phúc hay nỗi đau khổ của gia đình đứa trẻ vẫn không khác lần đầu tiên anh đỡ đẻ. Rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử. Đó là những ca sinh cứ ám ảnh người bác sĩ mãi.

tam-su-nam-bac-si-chuyen-do-de

Bác sĩ Khải thăm khám sản phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Khải còn nhớ cách đây 2 năm anh đã cứu sống một sản phụ thai lưu 8 tháng ở Mê Linh, Hà Nội. Sản phụ khám tại phòng khám tư xác định song thai chết lưu nên vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xử lý. Khi nhập viện, chị có dấu hiệu chuyển dạ, được theo dõi ngay tại phòng đẻ. Sau đó, sản phụ vỡ ối tự nhiên, cổ tử cung mở 3 cm. Tuy nhiên chỉ 10 phút sau vỡ ối, bệnh nhân đột ngột tím tái, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch.

"Toàn bộ ê kíp gồm các bác sĩ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên vừa hồi sức, vừa chuyển bệnh nhân sang phòng mổ. Cùng lúc đó, ban giám đốc hội chẩn và quyết định mổ lấy hai thai đã chết để giải phóng chèn ép, cắt tử cung bán phần cầm máu cứu mẹ. Khi mổ tôi không biết bệnh nhân có thể sống được hay không, chỉ biết cố gắng hết sức”, bác sĩ Khải nói.

Trong quá trình mổ cũng gặp vô vàn khó khăn, bệnh nhân rất nguy kịch nên đòi hỏi bác sĩ phải có thao tác nhanh và chính xác. Sau tiếng đồng hồ "cân não", cuối cùng bệnh nhân cũng được cứu sống. Hình ảnh sản phụ đau đớn rời xa hai đứa con 8 tháng chưa kịp chào đời khiến bác sĩ ám ảnh khôn nguôi.

Có nhiều giọt nước mắt nhưng cũng có vô số nụ cười, bác sĩ Khải đã chứng kiến những nụ cười hạnh phúc đó hàng ngày. Chính tay bác sĩ đã mổ thành công cho một nữ diễn viên mang thai to đến 6,6 kg. Lúc bấy giờ trường hợp này được xác định thai nhi to nhất Việt Nam. Thai to lại bị nhau tiền đạo nên bác sĩ phải mổ bắt con.

Một trường hợp khẩn cấp tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, sản phụ sinh tại trạm y tế xã sau đó bị băng huyết, trụy mạch sau sinh. Nhận được lệnh, bác sĩ cùng y tá đã nhanh chóng di chuyển xuống địa bàn để cấp cứu bệnh nhân. Đến nơi tình trạng của sản phụ này đã quá nguy kịch, bệnh nhân không thể di chuyển, bác sĩ phải tiến hành mổ, cắt tử cung ngay tại trung tâm y tế của xã. May mắn, cả hai mẹ con đều đã được cứu sống và khỏe mạnh.

Bác sĩ Khải trải lòng, nghề bác sĩ sản khoa rất dễ kiếm tiền nhưng cũng dễ đánh mất y đức. Không phải ai cũng có thể làm ngơ trước "ma lực" của đồng tiền. Những người thực sự có tâm, có đức mới tồn tại được với nghề. Sản phụ ở bệnh viện, có người giàu, người nghèo, có người đẻ dễ, đẻ khó... ai ai cũng được bác sĩ đối xử bình đẳng.

"Nếu có ưu tiên thì tôi sẽ ưu tiên những người nghèo khó và bộ đội hơn. Họ là những người rất vất vả. Có người nghèo đến mức đi đẻ với đôi bàn tay trắng, có những sản phụ đi đẻ một mình vì chồng là bộ đội phải trực không được về... Những con người đó, thực sự họ rất cần sự quan tâm, động viên từ các y, bác sĩ", bác sĩ Khải chia sẻ.

Hằng ngày, bác sĩ phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân nữ, bà bầu sinh đẻ. Gặp bác sĩ nam khám, đỡ đẻ, thai phụ không khỏi ngại ngùng. Do vậy, bác sĩ cần nghiêm túc, đúng mực và đặc biệt đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Bác sĩ Khải khuyến cáo với đồng nghiệp rằng không tuyệt đối trêu đùa, chỉ trỏ trước mặt bệnh nhân, sản phụ. "Nếu ai có ý định, hành vi lạm dụng bệnh nhân, tốt nhất không nên làm nghề này. Những người như vậy thực sự là vô văn hóa...", bác sĩ Khải nói.

Bác sĩ không ngại tiết lộ, thoạt đầu khi công tác trong sản khoa, bạn bè trêu chọc nghề có vẻ nhạy cảm, thời trẻ anh cũng có chút ngại ngùng. Tuy nhiên, xác định đây là nghề nghiệp của mình, hiếm ai có diễm phúc chứng kiến giây phút thiêng liêng những đứa trẻ chào đời, bác sĩ coi đó là một may mắn. Càng may mắn hơn khi vợ anh làm cùng ngành nghề. Chị công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nên rất hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của chồng.

Bác sĩ Khải tâm sự, nhiều lúc chỉ đơn giản là một lời cám ơn, cái bắt tay của người chồng, bó hoa đẹp... cũng khiến anh ấm lòng. "Với tôi, điều quý giá nhất là chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông, khi đó tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ", nam bác sĩ trải lòng.

VnExpress

NgoiSao.net

nam bác sĩ, đỡ đẻ, cha đỡ, bà đỡ - Nam bác sĩ hơn 20 năm làm 'bà đỡ'


      © 2021 FAP
        1,340,779       711