Nhiều người sau khi ăn tiết canh lợn đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.
Nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, bệnh nhân 40 tuổi ở Ninh Bình được các bác sĩ xác nhận sốc nhiễm trùng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Chỉ vài giờ nằm tại khoa cấp cứu, người bệnh vào cơn suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi. 2 ngày sau, bệnh nhân tử vong.
Người nhà cho biết, khoảng 3 ngày trước, anh này nhậu với bạn và cả nhóm cùng ăn món tiết canh lợn. Vài giờ sau ăn, thấy khó chịu và đi ngoài, ngỡ bị rối loạn tiêu hóa, người bệnh chỉ uống thuốc trị đau bụng nhưng sau đó tình hình trở nên nghiêm trọng.
Tiết canh lợn và cả tiết canh vịt đều có thể gây bệnh chết người do liên cầu khuẩn, hay cúm H5N1. Ảnh: H.M |
Một trường hợp khác, người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hòa Bình cũng nhập viện với cùng bệnh cảnh. Theo người nhà, ông này đã uống rượu với tiết canh lợn trước đó khoảng 2 ngày. Tại bệnh viện, bệnh nhân hôn mê sâu, tụt huyết áp, xuất hiện nhiều ban hoại tử ở mặt, tay, chân. Kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân do nhiễm liên cầu lợn, bệnh nhân yếu dần rồi tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên đây hai trong số 10 trường hợp tử vong vì ăn tiết canh trong năm 2015. Thống kê cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, cả nước có 82 người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn, hầu hết bệnh nhân đều nguy kịch khi nằm viện. Chỉ riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM đã có hơn 30 trường hợp mắc bệnh và hầu hết đều dùng món tiết canh.
Khảo sát thông tin từ người bệnh, các bác sĩ ghi nhận nhiều người dân cho rằng lợn sạch, lợn nhà nuôi thì không sợ bệnh nên thoải mái ăn tiết canh. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm bởi rất nhiều con lợn mang liên cầu khuẩn nhưng chưa phát bệnh.
Bộ Y tế cảnh báo, bệnh liên cầu khuẩn xảy ra rải rác quanh năm và có xu hướng bùng phát những tháng cuối năm. Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyên, không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể chỉ trong vài giờ hoặc đến 5 ngày. Biểu hiện thường thấy là sốt đi ngoài. Nặng hơn, bệnh nhân lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7% song trong số những người được cứu sống thì đã có đến 40% bị di chứng.
Thiên Chương
Món tiết canh khiến hàng chục người mất mạng - Ngôi sao