Một cô gái trẻ ở Trung Quốc hy vọng sẽ được làm mẹ sau khi nhận tử cung từ chính mẹ mình. Đây là ca cấy ghép tử cung đầu tiên ở nước này.
Các bác sĩ bệnh viện Xijing, Tây An, Thiểm Tây, phẫu thuật cấy ghép tử cung cho Yang Hua. Ảnh: China Daily |
Năm 2013, Yang Hua, 22 tuổi, sống ở thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, được các bác sĩ tại bệnh viện Xijing ở Tây An chẩn đoán không có tử cung.
"Tôi thấy rất chán nản sau khi nhận được lời chẩn đoán khó tin đó. Tuy nhiên tôi cũng nuôi hy vọng khi bác sĩ nói rằng tôi vẫn có thể mang thai nếu được cấy ghép tử cung", China Daily dẫn lời Yang nói.
Khi biết tin này, người mẹ 43 tuổi của Yang đã quyết định hiến tử cung cho con. "Để con bé có được cuộc sống hoàn hảo, tôi sẵn lòng cho nó cả cuộc sống này", người mẹ nói.
Thật may là hệ thống kháng nguyên bạch cầu người (HLA) của cả hai mẹ con Yang đều phù hợp cho ca cấy ghép. Trong thời gian chờ ca phẫu thuật diễn ra, Yang đã kết hôn và nhận được sự ủng hộ của chồng.
Sau một thời gian chuẩn bị, hôm 20/11, 38 chuyên gia thuộc 11 phòng ban y tế khác nhau, đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 14 tiếng để cấy ghép tử cung vào cơ thể Yang. Ngày 25/11, bệnh viện thông báo tử cung mới đã được tiếp nhận và cả hai mẹ con Yang đang phục hồi sức khỏe tốt.
Cấy tử cung là một quá trình phẫu thuật rất khó khăn do tử cung nằm sâu trong xương chậu với hệ thống mạch máu rất khó để khâu cắt. Chen Biliang, giám đốc khoa sản phụ khoa của bệnh viện cho biết thêm tử cung khi được cấy ghép thường khó được cơ thể tiếp nhận hơn các bộ phận khác.
Hiện tại trên thế giới mới chỉ có 11 ca phẫu thuật cấy ghép tử cung được thực hiện. 8 trong số đó thành công và mới chỉ một em bé chào đời. Đứa trẻ này được sinh ra hồi tháng 10 năm ngoái ở Thụy Điển. Mẹ bé là một trong 9 bệnh nhân cấy ghép tử cung ở nước này.
Đầu năm 2011, một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng tử cung cấy ghép nhưng không may sẩy thai. Trong khi đó, ca cấy ghép đầu tiên được thực hiện ở Ảrập Xêút năm 2000, tuy nhiên ba tháng sau người được hiến tử cung đã phải cắt bỏ nó ra khỏi cơ thể do có một cục máu đông xuất hiện.
Ước tính ở Trung Quốc, có khoảng 100.000 đến 120.000 bé gái chào đời mỗi năm không có tử cung và âm đạo. Chen cho biết ca phẫu thuật trên đã mang lại niềm hy vọng chi những người gặp hoàn cảnh tương tự như Yang Hua và những người phải cắt bỏ bộ phận này do bệnh tật.
Hướng Dương
Con gái nhận tử cung cấy ghép từ mẹ đẻ - Ngôi sao