Thời cuộc

Cảnh sát đỡ đẻ cho thai phụ ngay trên vỉa hè

Một phụ nữ ở Philippines buộc phải sinh con bên lề đường do xe cấp cứu không kịp tới bệnh viện trong giờ cao điểm.

Cảnh sát bế em bé vẫn còn nguyên dây rốn sau khi giúp thai phụ sinh con. Ảnh: Today Online

Cảnh sát bế em bé vẫn còn nguyên dây rốn sau khi giúp thai phụ sinh con. Ảnh: The Nation

Giám đốc Wilben Mayor, đại diện cảnh sát quốc gia Philippines, hôm qua cho biết thai phụ, không rõ danh tính, đã chuyển dạ và sinh hạ một em bé với sự giúp đỡ của hai nhân viên cảnh sát. 

"Đó là một tình huống đặc biệt nhưng điều quan trọng là đứa bé đã chào đời khỏe mạnh, còn các nhân viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ của họ", AFP dẫn lời ông Mayor nói tại một buổi họp báo. 

Angel Ramos-Canoy, một người lưu thông trên đường khi đó, đã đăng bức ảnh chụp ca sinh con khẩn cấp lên Facebook, khiến nó được lan truyền nhanh chóng. Trong ảnh, một nữ cảnh sát và một phụ nữ khác mặc trang phục dân thường đang bế một đứa trẻ sơ sinh. Đứa bé được quấn trong tấm chăn trắng, trên người vẫn còn nguyên dây rốn. 

Ông Mayor cho hay ông không có thông tin chi tiết về vị trí cũng như địa điểm sự việc xảy ra. Tuy nhiên, truyền thông địa phương đưa tin người phụ nữ đã sinh con trai sáng 16/11. 

Trong dòng trạng thái chia sẻ trên Facebook, Ramos-Canoy đã kể việc mình và những người lưu thông bị tắc đường lúc đó sử dụng những chiếc ô để che cho người phụ nữ như thế nào khi cô chuyển dạ. 

"Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là dùng ô để che chắn cho cô ấy", cô viết. 

Nữ cảnh sát giúp thai phụ trên sinh con cũng là một người bà đỡ, trong khi cảnh sát nam là y tá thực tập. Hai nhân viên này đã gọi xe cấp cứu tới đến đưa thai phụ tới bệnh viện nhưng cuối cùng chính họ lại đỡ đẻ cho cô do xe cấp cứu không thể tới nơi vì tắc đường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hiện các lãnh đạo thế giới đang có mặt ở Philippines để tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). 

Hướng Dương

NgoiSao.net

Cảnh sát đỡ đẻ cho thai phụ ngay trên vỉa hè - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,212,758       732