Vụ án có quá ít thông tin, manh mối, thông tin chính của vụ việc do nạn nhân và cũng là nhân chứng duy nhất cung cấp.
Rạng sáng 18/11, Công an tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành dựng lại hiện trường tại căn nhà của vợ chồng bà Lê Thị Tùng (48 tuổi, thôn An Thạnh 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, khoảng 1h30 sáng 18/9, bà Tùng và chồng là ông Nguyễn Đông Tấn (49 tuổi) đang ngủ trên giường trong nhà. Bà Tùng khai, trở giấc, nhìn thấy một người đàn ông bịt kín mặt đột nhập vào nhà tiến đến sát giường ngủ.
Người này cầm dao đâm nhanh một nhát vào ngực trái ông Tấn, làm ông Tấn rớt xuống đất bất động không kịp phản ứng. Sau đó, người này đưa dao dọa và khống chế bà Tùng. Bà không dám kêu la vì sợ bị giết. Người này cưỡng hiếp bà ngay trên giường rồi bỏ đi.
Khi hung thủ băng qua khu vườn táo, rời khuôn khỏi viên nhà, bà Tùng mới dám chạy ra đường kêu cứu. Khu vườn nhà vợ chồng ông Tấn ở cách biệt, thưa thớt dân cư. Bà Tùng cho biết vợ chồng bà sinh sống trong khu vườn táo nhiều năm nay, chỉ biết lo làm ăn và chưa hề có sự mâu thuẫn nào với những người xung quanh.
Ngày 24/9 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận ra quyết định khởi tố vụ án để tìm ra kẻ gây án. Vụ việc khiến dư luận không khỏi băn khoăn bởi 2 tháng sau khi vụ án xảy ra dường như những manh mối để lần tìm ra hung thủ vẫn nằm trong vòng bí mật.
Tại buổi dựng lại hiện trường, bà Tùng diễn lại cảnh đứng trước cổng nhà ông Mít kêu cứu. |
Việc dựng lại hiện trường được tiến hành trùng với thời điểm xảy ra vụ việc. Cuộc thực nghiệm hiện trường kéo dài hơn 3 giờ, bắt đầu là cảnh một người lạ bịt kín mặt vào nhà đâm ông Tấn, cảnh ông Tấn rơi từ trên giường xuống nền nhà, cảnh bà Tùng bị người này yêu cầu đưa tiền, vàng rồi bị cưỡng hiếp và cuối cùng là cảnh bà Tùng chạy sang vườn táo nhà ông Mít kêu cứu. Theo cơ quan điều tra, các cảnh dựng này căn cứ hoàn toàn theo lời khai của bà Tùng.
Ông Nguyễn Hữu Dục - Trưởng thôn An Thạnh 2 - xã An Hải cho biết, cuộc thực nghiệm hiện trường diễn ra vào lúc sáng sớm nhưng có rất đông người dân tụ tập theo dõi.
“Mặc dù không được biết trước nhưng khi thấy công an đưa bà Tùng đến dựng lại hiện trường vụ án, bà con trong thôn đã tập trung đông và chú ý theo dõi quan sát từ xa. Lực lượng công an xã làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động. Theo dõi tại hiện trường, tôi thấy bà Tùng tâm trạng khá thoải mái, không có gì căng thẳng cả. Sau khoảng 3 tiếng thực nghiệm hiện trường, người phụ nữ có vẻ mệt mỏi hơn thôi”, ông Dục cho biết.
Cũng theo lời trưởng thôn An Thạnh 2 từ khi vụ án mạng xảy ra, bà Tùng đã chuyển về ở hẳn cùng các con tại thôn An Thạnh 1, cũng ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. “Tôi thấy con cái bà Tùng thỉnh thoảng có qua lại chăm sóc, thu hoạch vườn táo. Còn người phụ nữ này không mấy khi xuất hiện. Vụ án tại vườn táo giờ cũng không còn nóng như trước nữa. Nhưng người dân vẫn muốn cơ quan công an sớm tìm ra hung thủ gây án”, ông Dục chia sẻ thêm.
Có thể nói đây là một vụ án khá đặc biệt bởi có quá ít thông tin, manh mối. Thông tin chính của vụ việc do nạn nhân và cũng là nhân chứng duy nhất cung cấp.
Thời điểm xảy ra, theo ghi nhận của cơ quan điều tra, hiện trường không có dấu hiệu của sự xáo trộn, mất mát; nạn nhân và cũng là nhân chứng duy nhất của vụ án - bà Lê Thị Tùng - vợ ông Tấn đã được công an mời lên làm việc rất nhiều lần, đồng thời được đưa đi giám định dấu hiệu hiếp dâm.
Cơ quan điều tra cũng đã mời một số người hàng xóm được cho là đã nhậu cùng với ông Tấn vào chiều hôm trước khi xảy ra án mạng lên làm việc nhưng cũng đã loại trừ khả năng liên quan của họ. Hai vợ chồng nạn nhân trong con mắt của hàng xóm là những người chỉ biết chí thú làm ăn, không có mâu thuẫn với ai.
Trong khi đó, trả lời báo chí, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết không loại trừ khả năng nghi phạm là người có liên quan đến gia đình.
Theo Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo), nguyên tắc của hoạt đông điều tra truy tố, xét xử án hình sự là trọng chứng hơn trọng cung. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tối đa việc bỏ lọt tội phạm và xử oan người vô tội. Trong quá trình điều tra phá án, tội phạm luôn có tâm lý chối tội nhưng cũng có những người nhận tội nhưng là để che giấu cho hành vi phạm tội của người khắc.
Luật sư Tạ Quốc Long nhấn mạnh, việc thực nghiệm hiện trường hay dựng lại hiện trường sẽ đưa ra khung cảnh và mô phỏng lại hoàn cảnh, hành vi và môi trường diễn ra tội phạm. Trong quá trình này sự tương thích hoặc mâu thuẫn giữa lời khai và hành động phạm tội thực tế sẽ phô bày và đó là căn cứ xác nhận lời nhận tội hoặc phản bác, làm rõ những vấn đề còn bị tội phạm che giấu.
Theo VOV, Đất Việt
Nhiều uẩn khúc chưa có lời giải vụ 'giết chồng, hiếp dâm vợ' - Ngôi sao