Thời cuộc

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng tí hon bán vé số

Đồng cảm vì cùng cảnh ngộ, chàng trai và cô gái chỉ cao 1 mét đã bất chấp cái nghèo và sự can ngăn của gia đình để đến với nhau.

Từ Đồng Tháp về Sài Gòn kiếm kế sinh nhai từ năm 15 tuổi, Nguyễn Văn Lượng lắt nhắt những bước chân ngắn khắp khu vực Chợ Lớn, lang bạt từ khu phố Tàu đến Bến xe Miền Tây để xin việc. Chiều cao chỉ 1,1 m, hơn nửa người bình thường chút xíu, sức khỏe không cho phép công việc khuân vác hay chạy bàn quán cà phê, Lượng quyết định đi bán vé số. Anh không ngờ chính nghề lang thang nay đây mai đó của mình đã đưa anh đến nhân duyên.

chuyen-tinh-lang-man-cua-vo-chong-ti-hon-ban-ve-so

Lượng - Đào may mắn được chọn tham gia đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật hôm 20/10. Ảnh: Thiên Chương

Rời bỏ khu vực quận 5 từ khi chuyển sang nghề mới, Lượng thuê nhà ở quận 11, nơi có nhiều quán xá, cây xăng hơn, để tiện hơn cho việc rao mời. Sáng nào anh cũng đến đại lý nhận xấp vé hơn trăm tấm, rồi lê từng bước nhỏ đến các quán cà phê, có khi đứng ngã tư mời cả khách vãng lai. Bán ở khu vực mình sinh sống chẳng ăn thua, Lượng đi theo tuyến đường quốc lộ hướng về tỉnh Tây Ninh, hoặc xin đi nhờ xe buýt đến tận Bến xe An Sương cách đó mười mấy cây số. Rồi tại đây, anh gặp một cô gái cũng giống y như mình.

Đó là một buổi sáng, bán hoài không ai mua, mỏi chân, Lượng ngồi bệt xuống một góc ở bến xe, đang đưa mắt nhìn bâng quơ, anh phát hiện một phụ nữ cao chừng một mét, cũng lắt nhắt từng bước chân, trên tay cầm xấp vé mời hết người này đến người nọ. "Gì đây trời, đã bán ế mà còn gặp cạnh tranh. Cũng lùn như mình mà là phụ nữ nữa thì làm sao mình cạnh tranh lại", chàng trai nghĩ thầm rồi nhấc người đi theo.

"Ủa em tên gì. Bán lâu chưa sao anh không thấy. Nhà em ở đâu", chàng trai lân la mấy ngày trời với chừng ấy câu hỏi nhưng cô nàng vẫn không trả lời. "Lúc ấy em mệt gần chết mà thấy ảnh cứ đi theo hỏi hỏi nên không thèm trả lời. Mãi đến mấy ngày sau, thấy cũng hiền hiền nên mới chấp nhận làm quen", Nguyễn Thị Thu Đào kể.

chuyen-tinh-lang-man-cua-vo-chong-ti-hon-ban-ve-so-1

Cả hai xinh xắn trong trang phục cưới tí hon. Ảnh: Thiên Chương

Cùng cảnh bệnh tật bẩm sinh, cũng như Lượng, từ năm 3 tuổi, ba mẹ cô gái quê ở Bình Định buồn thúi ruột khi nhìn thấy con bỗng nhiên chựng lại không phát triển. "Từ sau khi bắt đầu nói chuyện được với nhau em mới biết anh ấy cũng có nỗi khổ như mình. Anh ấy lên Sài Gòn trước em cả chục năm và không hề biết nhau từ trước nhưng khi nhìn dáng người và xấp vé số trên tay, thêm cái miệng tía lia có duyên, em đã thầm ưng ý và cho anh ấy số điện thoại", Đào ngượng ngùng kể.

Biết nhau từ giữa năm 2014, đôi bạn cùng cảnh dần thân nhau khiến cho nhiều người buôn bán ở khu vực ngã tư An Sương ai cũng quen mặt, thậm chí họ còn đặt cho cả hai là "cặp đôi hoàn cảnh". Rồi ngày nào cũng vậy, có ly nước chàng trai lật đật mang đến cho Đào, chìa chiếc ống hút "em hút trước đi rồi tới anh", hay những khi Lượng ốm, đi bán một chút đã ngồi bệt, cô nàng lo quýnh quíu ghé nhà thuốc, cầm chai nước ép anh uống cho bằng được.

Thấy không thể sống thiếu nhau, vài tháng sau đó, Lượng và Đào quyết định về quê ra mắt ba mẹ. Cả hai đưa nhau về Đồng Tháp, rồi Bình Định, thế nhưng kết quả không như họ mong muốn, gia đình hai bên đều tỏ ra e dè rồi ngăn cản vì "hai đứa bây như vậy cưới nhau lấy gì sống, rồi sanh con đẻ cái ra sao".

"Trở lại Sài Gòn, hai đứa em buồn lắm. Mỗi lần nhớ đến lời cha mẹ, Đào lại rơi nước mắt. Vậy là chúng em hạ quyết tâm phải thuyết phục cho bằng được. Chắc thấy hai đứa thật lòng yêu nhau nên dần dần anh chị em, rồi đến cha mẹ bắt đầu bằng lòng. Không có tiền cưới hỏi, gia đình hai bên lại ở xa, chúng em quyết định về ở chung từ giữa năm nay", Lượng nói.

Được chung một nhà, cuộc sống của Lượng - Đào khá hơn thấy rõ vì tiền thuê nhà chỉ còn một nửa, cả hai cũng có điều kiện để quan tâm cho nhau nhiều hơn, tuy nhiên vài tháng gần đây Đào bỗng nhiên trở bệnh. "Em thấy mình bị đau nhiều ở lưng và tình trạng cứ kéo dài. Đau quá chịu không được, đi bán một tí đã phải ngồi, thấy vợ như vậy anh ấy kéo em vô bệnh viện khám mới biết em bị đau thần kinh tọa. Từ đó đến nay em chỉ có thể đi bán ban ngày, đêm phải vào chùa để được châm cứu miễn phí", người vợ tâm sự.

chuyen-tinh-lang-man-cua-vo-chong-ti-hon-ban-ve-so-2

Cô dâu xúc động vì tình yêu của hai người được mọi người công nhận. Ảnh: Thiên Chương

Vợ bệnh, một mình phải gồng gánh, song người thanh niên 25 tuổi vẫn luôn nở nụ cười lạc quan. "Yêu thương nhau thì hy sinh một chút đâu có sao. Nghèo nhưng có nhau là hạnh phúc rồi", Lượng chia sẻ. Cũng theo anh, hiện thu nhập mỗi ngày của cả vợ chồng bán được khoảng 100.000 đồng. "Số tiền này chỉ vừa đủ để thuê nhà, tiền thuốc cho Đào và tiền ăn của hai đứa. Nhưng thôi đành chịu. Giờ tôi chỉ mong vợ mình mau khỏi bệnh chứ không mong gì nữa hết".

Không chỉ sống tốt với nhau, tại khu nhà trọ ở ngã tư Gò Mây quận Bình Tân, "cặp đôi đặc biệt" này còn được hàng xóm quý mến. Hoàn cảnh của hai vợ chồng từ phương xa về Sài Gòn lập nghiệp mau chóng được những người trong khu phố nhắc đến như một tấm gương vượt khó. Cuối tháng 9, vợ chồng anh may mắn được một tổ chức từ thiện tìm hiểu và ngỏ ý cho tham gia lễ cưới tập thể cho người khuyết tật.

Đêm 20/10, trong bộ áo cưới tí hon, vợ chồng Lượng - Đào tay trong tay bên nhau, nhìn nhau trìu mến. Cảm động vì không nghĩ đời mình lại được lên xe hoa, được trao nhẫn cưới và được mọi người không quen biết đến chúc mừng, cô dâu đã tuôn trào nước mắt. Còn với những người đến tham gia buổi tiệc, chứng kiến Lượng và Đào bên nhau, ai nấy cũng thầm nghĩ "Dù hình hài khiếm khuyết nhưng họ đã có một tình yêu lành lặn và hoàn mỹ nhất".

Thiên Chương

NgoiSao.net

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng tí hon bán vé số - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,339,975       143