Hai bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối vừa được điều trị bằng cách ghép gan và người cho chính là hai cậu con trai.
Sáng 12/10, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hai ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 10 và 11/10. Hiện cả người cho gan và nhận gan đều có sức khỏe ổn định.
Hai ca lấy và ghép gan diễn ra thuận lợi tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ 66 tuổi ở TP HCM bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C. Trải qua thời gian điều trị nhưng không có kết quả, các bác sĩ cho biết ghép gan là cách cuối cùng để cứu bệnh nhân.
Trước tình cảnh tính mạng của mẹ bị đe dọa, con trai của bệnh nhân đã chấp nhận hiến một phần gan của mình để cứu mẹ. “May mắn, sau khi thực hiện các xét nghiệm, chúng tôi thấy gan của người con hoàn toàn phù hợp để có thể giúp mẹ”, đại diện nhóm phẫu thuật cho biết.
Người thứ hai được nhận gan từ con là một ông bố 50 tuổi ở Bến Tre được chẩn đoán ung thư gan, xơ gan, nhiễm viêm gan siêu vi B. Cũng như trường hợp trên, con trai của ông là người tình nguyện hiến tạng. “Tôi biết khi phẫu thuật cắt gan, mọi nguy cơ có thể xảy ra, song cứu bố tôi là việc quan trọng hàng đầu”, thanh niên này nói.
“Mỗi ca ghép gan kéo dài hơn 10 tiếng. Mọi thứ đầu nằm trong tính toán. Hiện hai bệnh nhân và hai người cho gan đều đã tỉnh táo, đang được nằm phòng hồi sức cách li để các bác sĩ hồi sức, theo dõi và chăm sóc nghiêm ngặt”, đại diện bệnh viện cho hay.
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, gan người cho sẽ phát triển lại bình thường sau vài tháng, tuy nhiên việc hồi sức, phẫu thuật cho người hiến gan quan trọng không kém so với người được ghép.
Từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 6 ca ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan từ người cho còn sống, một ca ghép gan từ người cho đã chết não. Ngoài ra, Chợ Rẫy cũng đã phối hợp lấy đa tạng và chuyển khối tạng ghép (tim phổi, tim , gan) từ hai ca chết não để tiến hành ghép tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế.
Thiên Chương
Hai con trai hiến gan cứu bố mẹ - Ngôi sao