Thời cuộc

Bé 15 tháng tuổi sốt cao và hoảng loạn sau khi bị bạo hành

Cháu bé đang sốt rất cao và hoảng loạn sau sự việc bị trói tay chân. Mẹ bé cũng sốc sau khi chứng kiến sự việc và không muốn tiếp xúc với ai.

Chiều 6/10, bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết, sự việc xảy ra tại cơ sở mầm non Sơn Ca thuộc địa bàn phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới) là rất nghiêm trọng. Chủ cơ sở và các giáo viên vi phạm sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. 

Trưa 5/10 qua camera, phát hiện con trai mình đang bị các cô giáo ở trường trói tay chân, chị Đinh Thị Hằng cùng chồng (sinh năm 1989, trú tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) tới cơ sở mầm non nói trên và phát hiện các cô vẫn đang tiếp tục bạo hành con mình.

be-15-thang-tuoi-sot-cao-va-hoang-loan-sau-khi-bi-bao-hanh

Hình ảnh bé 15 tháng tuổi bị hành hạ được camera ghi lại.

Sau khi sự việc được phanh phui, sáng 6/10, rất đông phóng viên tìm đến nhà nhưng chị Hằng từ chối tiếp xúc. Chồng chị Hằng (sinh năm 1989) cho biết, không chỉ con trai mà ngay cả vợ của anh đã rất sốc sau khi chứng kiến sự việc nên không muốn tiếp xúc với ai. Riêng cháu bé đang sốt rất cao và hoảng loạn sau khi được gia đình đưa từ cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca về. Gia đình đã báo cáo đến cơ quan chức năng về vụ việc trên.

Anh cũng cho biết, cháu bé là con trai đầu lòng của vợ chồng anh. Trước khi đi học, cháu được một người bà con trông giữ. Cháu vốn ngoan ngoãn, hay ăn và vui vẻ. Ngày 30/9, vợ chồng anh quyết định cho con nhập học ở cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca với số tiền đóng góp ban đầu là hơn 1,3 triệu đồng, mỗi tháng đóng thêm 1,5 triệu tiền ăn và tiền giữ trẻ. So với mức học phí tại các trường mầm non ở TP Đồng Hới, đây được xem là cơ sở mầm non có mức học phí nằm trong top, với hy vọng con mình được chăm sóc chu đáo.

Anh chia sẻ: “Vì làm quen với môi trường học tập mới nên cháu ngủ trưa rất ít. Quan sát camera, chúng tôi thấy cháu chỉ ngủ khoảng 30 phút rồi dậy, sau đó, các cô bế cháu đi đâu (ra ngoài phạm vi camera) vợ chồng tôi cũng không biết. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ, chắc cô bế cháu ra ngoài để dỗ dành. Trong thâm tâm, hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ sự việc lại xảy ra nghiêm trọng như vậy”.

be-15-thang-tuoi-sot-cao-va-hoang-loan-sau-khi-bi-bao-hanh-1

Cơ sở mầm non Sơn Ca vẫn mở cửa bình thường.

Sáng 6/10, cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca vẫn đón trẻ bình thường, 2 trong số 3 bảo mẫu hành hạ cháu bé vẫn có mặt tại lớp. Cơ sở này trực thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hằng, do bà Trần Thị Thúy Hằng phụ trách.

Cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca nguyên là một nhà kho hai tầng bỏ hoang, được công ty này thuê lại, có cải tạo đôi chút. Tuy nhiên, diện tích phòng cho các cháu không thiết kế đúng quy cách của trường mầm non. 

Sân chơi lợp tôn rất nóng, ánh sáng yếu ớt, hành lang tầng 2 nhỏ hẹp, các phòng bị ngăn cách thành những ô nhỏ, chật chội, có trang bị quạt nhưng vẫn nóng nực, bí bức. Nhà bếp được bố trí sát một phòng giữ trẻ. Hơi nóng và mùi thức ăn tỏa ra từ bếp rất khó chịu. Đặc biệt, cơ sở giữ trẻ này không thiết kế lối thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn hoặc sự cố khác. Cả khu nhà chỉ độc đạo một lối cầu thang lên xuống. 

Sáng cùng ngày, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, dẫn đầu đoàn kiểm tra, phối hợp cùng lực lượng công an đã đến cơ sở nuôi dạy trẻ này kiểm tra và xác minh vụ việc. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, đây là một điểm nuôi dạy trẻ tư nhân chưa được cấp giấy phép hoạt động. 

Cơ sở có 4 lớp với gần 100 cháu đang được gửi tại đây. Trước đó, chủ cơ sở trên có nộp tờ trình gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Hới để xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, khi thẩm định thấy không đủ điều kiện thành lập trường nên đến nay chưa được cấp phép. Tuy nhiên, cơ sở trên vẫn tự ý hoạt động một cách công khai cho đến khi xảy ra sự việc.

Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thúy Hằng, phụ trách cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca đã công nhận toàn bộ sự việc và thừa nhận sai phạm. Theo bà Hằng, 3 cô nuôi là Nguyễn Tú Anh (trú thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), Lê Thị Hoài Linh (trú phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) và Lê Thị Thu Hà (trú Đức Ninh, TP Đồng Hới) bước đầu khai nhận toàn bộ sự việc, có hành vi “bạo hành” bằng cách trói tay, nhét giẻ vào mồm trẻ. Trong 3 cô nuôi trên thì trường hợp Nguyễn Tú Anh đang thử việc, 2 trường hợp còn lại đã được bà Hằng ký hợp đồng.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Đức Liêm yêu cầu chính quyền địa phương cho dừng ngay việc nuôi dạy trẻ tại cơ sở này, đồng thời đề nghị công an điều tra thật kỹ để xử lý theo pháp luật đối với 3 cô giáo đã bạo hành cháu bé.

Ông Đoàn Đức Liêm khẳng định, để xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lí. Một cơ sở nuôi dạy trẻ “chui” quy mô lớn, ngang nhiên hoạt động nhưng chính quyền địa phương không có động thái nào.   

Trước đó, tối 5/10, chị Hằng, mẹ bé 15 tháng tuổi bị cô giáo bạo hành ở lớp học, đã chia sẻ dòng nhật ký đẫm nước mắt trên Facebook. Trong đó, chị viết: "Ngày 5/10, 10h26 mẹ mở camera theo dõi con. Cô Linh đang cho con ăn. Cô véo tai con mấy lần vì con không chịu ăn. Con khóc. Mẹ xót xa lắm. 10h57 cô Hà kéo con vào góc lấy thìa inox lôi con vào góc (có lẽ cô nghĩ góc này camera ko tới được) đánh liên tục vào 2 tay con, đánh liên tục vào 2 má con. Mẹ chua xót. Mẹ khóc gọi điện thoại ba con về ngay để lên làm việc với hiệu trưởng. Có lẽ mẹ đã hiểu ra lý do vì sao con hay hốt hoảng khi ngủ.

12h30, mẹ lên tới lớp con, quá nóng giận mẹ đẩy cửa vào không gõ cửa. “Trời ơi!”, mẹ hét lên: “Chúng mày làm gì thế này”. Con bị đè xuống sàn nhà, hai tay hai chân trói chặt về phía sau, cô Anh đang nhét khăn vào miệng còn cô Linh và một cô nữa đang giữ con. Nét mặt vật vã của con lúc đó làm mẹ đau tới tận tim gan. Mẹ lao vào ôm lấy con. Ba cô kia kéo mẹ ra để tháo dây buộc tay và chân con. Mẹ hét lên: “Tránh xa con tôi ra”. Ba đi sau mẹ chạy lại giữ lấy con. Mẹ ôm con xuống sân. Mẹ đau đớn. Người con nhiều vết thâm, con khóc, con ôm chặt lấy mẹ, mẹ đau đớn tới quặn thắt".

Theo Tiền Phong

NgoiSao.net

Bé 15 tháng tuổi sốt cao và hoảng loạn sau khi bị bạo hành - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,220,930       485