Sáng 29/9, bé K'Rể ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, đến trường buổi đầu tiên. K'Rể 6 tuổi nhưng bé chỉ cao 50 cm, cân nặng bằng trẻ sơ sinh.
Sáng 29/9, ông Đinh Văn An đưa bé trai Đinh Văn K'Rể (dân làng gọi là bé tý hon) ngày đầu tiên đến trường tiểu học Sơn Ba xin cho con học "cái chữ".
Đã 6 tuổi nhưng bé K'Rể chỉ cao 50 cm, cân nặng khoảng 3,4 kg, bằng trẻ sơ sinh khiến bạn bè cùng trang lứa tò mò, không khỏi ngạc nhiên bàn tán.
Bé K'Rể bên anh trai Đi Văn Anh 9 tuổi cao lớn. Anh Đinh Văn An (cha của K'Rể) kể, do nhà cách xa trung tâm xã Sơn Ba nên hai con trai anh lần lượt chào đời ở nhà bà mụ trong thôn Gò Da.
"Đứa đầu là cháu Đinh Văn Anh sinh ra cao lớn bình thường, đến nay đã 9 tuổi đang học lớp 3. Đứa thứ hai là K'Rể lúc ra đời bé hơn gang tay, đến nay 6 tuổi chỉ nặng 3,4 kg, cao 50 cm, cả ngày chỉ ăn được vài muỗng cơm", anh An kể.
Dù ngày đầu tiên đến trường nhưng bé K'Rể tỏ ra dạn dĩ, nghe lời thầy cầm bút viết nguệch ngoạc trên giấy. Thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Ba cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, dù có dáng hình nhỏ bé, mới bập bẹ vài tiếng ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số H'Re nhưng bé K'Rể tiếp thu, hòa nhập nhanh cùng bạn bè trang lứa. "Cháu hoàn toàn có khả năng học tập như người anh ruột", ông Cương nói.
Hàng ngày bé "tý hon" chỉ ăn khoảng một chén cơm, uống vài ngụm nước. Theo các chuyên gia, thông thường trẻ em khi đến 6 tuổi cao trung bình hơn 112 cm, nặng khoảng 20 kg.
K'Rể bên chai nước khoáng gần bằng 2/3 cơ thể. Qua thăm khám cho bé K'Rể, các bác sĩ chuyên khoa Nhi ở các bệnh viện khu vực miền Trung nhận định, nhiều khả năng bé sinh ra bị rối loạn nội tiết, thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh...
Dấu hiệu thiếu hoóc môn tăng trưởng khiến trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4 cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả.
Bé K'Rể hồn nhiên trong làn nước mát. Các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính 1/4.000-1/10.000 trẻ sinh sống.