Thời cuộc

Bé trai không thể ngậm miệng vì bướu khổng lồ chèn ép

Chỉ vài ngày sau khi chào đời tại Vĩnh Long, bé trai được phát hiện có khối bướu phình to ở cổ, khiến miệng bé không thể khép lại được.

Trước tình trạng bướu cứ tiếp tục to thêm, bệnh nhi được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) để điều trị khi tròn 2 tháng tuổi. 

be-buou-6051-1443159303.jpg

Khối bướu chèn ép khiến bé không thể ngậm miệng để bú mẹ. Ảnh: Thiên Chương

Kết quả chẩn đoán hình ảnh thấy, khối u là một bướu tân dịch khổng lồ (dị dạng khiến mạch máu ách tắc ùn ứ) trong trạng thái xuất huyết lan xuống hàm và ngực. Kích thước quá to của bướu cũng là nguyên nhấn khiến lưỡi bé bị đẩy ra ngoài và miệng không thể khép. 

Cuộc hội chẩn toàn bệnh viện được tiến hành, tuy nhiên việc xử trí khối u bị dừng lại do bé đang bị viêm phổi dẫn đến suy hô hấp phải thở máy. "Chúng tôi phải điều trị khỏi viêm phổi mới tính đến phương án xử trí khối bướu", bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết. 

Theo lời của mẹ bé, cháu là con thứ ba trong gia đình, được sinh thường, nặng 3,1 kg.

Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám Bệnh viện Nhi Đồng 1 kiêm trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, đây là bệnh lý dị dạng mạch máu (u nang bạch mạch). Quá trình phát triển thai bị tắc mạch ùn ứ máu thành khối bướu, thường gặp nhất ở mặt và cổ. Đây là loại u khó mổ do các nang nhỏ bám vào mạch máu. 

"Nguy hiểm nhất là khi mổ có thể bị ảnh hưởng dây thần kinh gây méo miệng, mang tật suốt đời. Ngoài ra khi bướu lớn có thể phình chèn đường thở rất nguy hiểm", bác sĩ Hiếu nói. 

Từ các nguy cơ biến chứng, theo ông Hiếu, sau khi điều trị khỏi viêm phổi, bé sẽ được tiêm chất xơ vào để ngăn chặn sự phát triển của bướu. Cách làm này cũng có thể khiến khối bướu xẹp dần đi. 

Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận từ 30 đến 40 bé mắc bướu tân dịch và không ít bé chấp nhận không thể phẫu thuật do bướu quá to có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác. 

Bệnh có thể phát hiện trong lúc mang thai nhưng việc can thiệp khó, bác sĩ chủ yếu chỉ tư vấn cách để bé không bị ngạt khi sinh. Tất cả các bé khi sinh nếu thấy có khối u dù nhỏ vẫn nên đưa đến bệnh viện để khám vì có thể bướu nhỏ bên ngoài nhưng lại to bên trong. 

Thiên Chương

NgoiSao.net

Bé trai không thể ngậm miệng vì bướu khổng lồ chèn ép - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,222,158       486