Thời cuộc

Người chị viết thư xin lỗi vì đưa nữ sinh vào đường tù tội

Thụ án chung thân, Duy viết những dòng thư xin lỗi và hối hận vì đã đưa em gái vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia khi 2 chị em đang là sinh viên.

“Chị không nhớ rõ đây là lá thư thứ mấy chị viết cho em. Thư gởi đi cũng đã nhiều rồi mà chị vẫn chưa nhận được hồi âm của em. Phải chăng em còn giận chị hay những cánh thư kia chưa đến được tay em”. 

Bức thư tay kín chữ trong 5 trang giấy A4 được Trần Hà Duy (27 tuổi) thụ án tại phân trại số 3, trại giam Z30D gửi em gái Trần Hạ Tiên (thụ án 20 năm ở trại giam An Phước, Bình Dương). Hai chị em bị bắt vì vướng vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

IMG-5445-8122-1441509484.jpg

Những dòng mở đầu trong thư Duy viết cho em gái. Ảnh: S.H

Bức thư mở đầu bằng những dằn vặt, trăn trở của người chị khi “lỡ” đưa em gái vào đường tù tội. “Đã hơn 3 năm, chị không thôi nghĩ về em và lỗi lầm của mình. Bao lần đặt bút viết cho em là bấy nhiêu lần chị rơi nước mắt vì nhớ thương em. Em gái chị thật ngây thơ, em như một tờ giấy trắng vậy, chị là một người chị hư, đã nghịch lọ mực để rồi vấy bẩn lên trang giấy trắng ấy”, thư viết.

Chị em Duy vốn là sinh viên. Trong một lần đi xe buýt, Duy quen với Francis (quốc tịch Kenya). Gần cuối năm 2010, tên này đề nghị cô mang quần áo mẫu cho công ty của gã ở Malaysia với mức tiền công là 500 USD, còn đi Cotonou (Benin) thì 1.000 USD. Thấy kiếm tiền dễ dàng, Duy rủ Tiên và một một số bạn cùng vận chuyển hàng đi các nước và ngược lại.

Tháng 7/2011, Tiên mang chiếc vali từ Cotonou về Việt Nam thì phát hiện đáy chứa chất ma túy. Nữ sinh hốt hoảng gọi điện báo cho chị nhưng Duy động viên em xem như không biết chuyện gì, cứ mang về Việt Nam. Sau đó, Tiên bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ, Trần Hà Duy lúc đó đang chuyển số ma túy sang Campuchia đã tìm cách trốn về ra cơ quan điều tra đầu thú.

“Em à! Chị đã tự tay đào mồ chôn vùi tuổi thanh xuân, khép lại tương lai rộng mở đang chờ phía trước, khép lại những năm tháng miệt mài ngồi trên giảng đường đại học. Khi cánh cửa trại giam đóng sầm là lúc bóng tối ập đến, báo hiệu cho sự kết thúc, một kết thúc buồn của cuộc đời hai chị em sinh viên đại học vướng vào đường dây vận chuyển ma tuý”, những dòng thư hối hận của Duy. 

Duy kể, ngồi chung trong chiếc xe bít bùng trên đường đến nơi xét xử, Tiên nắm chặt tay chị động viên “Chị Hai đừng sợ, chị em mình sẽ không sao đâu”. “Đáng lẽ ra người an ủi, động viên phải là chị mới đúng. Phải chăng em gái của chị rất cứng rắn và dũng cảm, hay em không biết chuyện gì sẽ đến với mình?”, Duy tự vấn.

anh1-1349819997-480x0-JPG-6725-144150996

Trần Hà Duy và em gái tại tòa án. Ảnh: H.D

Đứng trước vành móng ngựa chờ tuyên án, Duy cho biết giữa sự sống và cái chết, mọi thứ trở nên mờ nhạt, không còn ý nghĩa. "Chị nhìn thấy cha mẹ đứng trước mặt và giơ tay đón, thấy em đang mặc bộ lễ phục cử nhân tung bó hoa dự lễ tốt nghiệp ra trường, thấy bé Nhi và cu Bin đang vui đùa, chạy nhảy. Tất cả những hình ảnh đó hoà vào làm một bức tranh thật đẹp nhưng bức tranh bị xé toạt ra khi chị nghe ‘Toà tuyên án, bị cáo Trần Hà Duy cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, mức án tử hình’,”, Duy hồi tưởng.

Với hành vi vận chuyển 7,5 kg ma tuý, Duy bị tuyên án tử hình còn em gái nhận 20 năm tù. Về sau Duy được Chủ tịch nước ân xá xuống còn án chung thân và đưa về cải tạo tại trại giam Thủ Đức.

Thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, Hà Duy như được sống lại, tại trại giam, cô chấp hành nghiêm kỷ luật, cải tạo tốt, giữ được tinh thần lạc quan, phấn đấu mong được giảm án để có thể trở về làm lại cuộc đời. Trong thư, Duy cũng động viên em gái, khuyên em cùng mình phấn đấu cải tạo tốt mong một ngày rũ bỏ áo tù về với gia đình, xã hội. 

"Hứa với em là chị sẽ cải tạo thật tốt để mai sau quay về làm cuộc đời mới. Em gắng giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt, chờ ngày phép màu sẽ đến với chị em mình. Khi niềm tin hiện hữu, phép màu sẽ xuất hiện", Duy viết và kết thúc bằng lời bài hát hai chị em từng yêu thích.

IMG-5139-9137-1441509484.jpg

Phong trào viết thư xin lỗi tại trại giam Thủ Đức. Ảnh: Z30D

Trung tá Trịnh Thị Quế - Phó giám thị Trại giam Thủ Đức - cho biết, phong trào "Thư gửi lời xin lỗi" được Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) phát động vào năm 2013. Tổng cộng có 7.000 bức thư được viết đi, chiếm khoảng 90% số phạm nhân tham gia.

"Đa phần thư viết cho gia đình, bè bạn, một số ít gửi cho các bị hại với lời xin lỗi muộn màng. Sau khi chọn lọc, những bức thư được trại giam gởi về địa chỉ mà phạm nhân yêu cầu. Trong đó có nhiều bức thư đẫm nước mắt mà phạm nhân gởi cho gia đình", nữ trung tá chia sẻ.

Hiện, trại giam Thủ Đức vẫn nhận thư xin lỗi từ phạm nhân, trung tá Quế cho rằng những cánh thư khi được viết ra cũng giúp người phạm tội trút được nỗi lòng, bớt mặc cảm, sống nhẹ nhàng hơn để cải tạo tốt.

Sơn Hòa - Nhật Vy

NgoiSao.net

Người chị viết thư xin lỗi vì đưa nữ sinh vào đường tù tội - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,278,018       813