Tràm Chim nay vẫn giữ được nét hoang sơ với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật phục hồi, là môi trường thích hợp để bảo tồn nhiều loài chim quý.
Đến Tràm Chim mùa nước nổi, chiếc tắc ráng (xuồng máy) sẽ đưa du khách hòa vào thiên nhiên nơi đây với rừng tràm ngập nước quanh năm, những cánh đồng năng kim - thức ăn chính của hơn 20 con sếu đầu đỏ nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, du khách còn được ngắm nhìn hàng nghìn con chim điên điển, cò trắng, cồng cộc, cò nhạn… trong mùa nước nổi, vốn là mùa sinh sản của các loài chim.
Những đàn chim với số lượng hàng trăm con bay cùng lúc là hình ảnh ấn tượng của nhiều du khách khi đến tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim. |
Được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”, Vườn Quốc gia Tràm Chim bao phủ diện tích hơn 7.000ha gồm khu rừng tràm nguyên sinh có thân cây lớn nhỏ vươn cao, xen kẽ đó là những đồng cỏ năng ống, đầm sen rộng… Với hệ sinh thái đa dạng, vùng đất “6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng” này là nơi cư trú của hơn 231 loài chim trong đó có những loài quý hiếm như te vàng, gà đãy, choi choi…, hơn 100 loài cá và nhiều loài động vật khác.
Là khu Ramsar đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 của Việt Nam, Vườn Quốc gia Tràm Chim có vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới. Với sự phối hợp của chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Công ty Coca-Cola, dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” đã được triển khai từ năm 2007 với tổng số tiền lên đến 1,2 triệu USD.
Với hệ sinh thái đa dạng, Tràm Chim là nơi trú ngụ của nhiều loài chim quý hiếm và là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất ngập nước này. |
Dự án tập trung triển khai các giải pháp quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phục hồi thảm thực vật nhằm khắc phục môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm. Qua đó, Tràm Chim đã thực sự hồi sinh, là môi trường thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống, góp phần bảo vệ nhiều loài động vật quý hiếm. Đến nay, có hơn 10.000 con chim điên điển sinh sống tại đây
Dự án góp phần bảo tồn các loài chim quý hiếm - đặc biệt là hơn 20 con sếu đầu đỏ, loài chim sắp tuyệt chủng nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. |
Theo số liệu thống kê từ WWF, gần đây đã có khoảng 12.000 con cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 con cò trắng đến sinh sống, sinh sản tại Tràm Chim. Cảnh tượng kỳ thú và đặc sắc nhất ở Tràm Chim là “vũ điệu ngày hè” của sếu đầu đỏ khi loài chim này di trú sang Việt Nam vào mùa khô (tháng 3-4).
Vẻ đẹp hoang sơ của mênh mông sông nước, đầy ắp tiếng chim đã giúp Tràm Chim trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách yêu thiên nhiên, muốn đắm mình trong không gian thanh bình của vùng “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”.
Vẻ đẹp thiên nhiên Tràm Chim:
Minh Trí
Đầu tư 1, 2 triệu USD bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim - Ngôi sao